Sau hơn một tuần dư luận dậy sóng, đỉnh điểm là vụ Cơ quan an ninh Quảng Trị bắt “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy (tức ‘’cậu Thủy’’) về hành vi lửa đảo tìm hài cốt liệt sĩ, bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về chính sách người có công đã chính thức lên tiếng.
Bộ LĐ-TB-XH đã có nghi vấn từ lâu
Tại buổi thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội của Quốc hội ngày 31/10, bộ trưởng LĐ-TB-XH hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có cuộc trao đổi với báo chí. Trước việc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCS) Việt Nam chi tiền cho “Cậu Thủy” 75 triệu đồng/bộ hài cốt liệt sỹ mà không xin ý kiến của bộ, bà Chuyền cho biết: Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân được cùng với Nhà nước phối hợp phát hiện và xử lý. Lẽ ra khi làm việc này Ngân hàng chính sách phải phối hợp với chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng để xử lý chứ không phải là Bộ LĐ-TB-XH thực hiện việc đó.
Theo quy định, khi hài cốt được đưa về thì Bộ LĐ-TB-XH thực hiện việc tiếp nhận và đưa vào các nghĩa trang.
Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ quản lý nhà nước, khi phát hiện hài cốt liệt sĩ ở các địa phương như Đắc Lắk, Bình Phước, lẽ ra Ngân hàng CSXH cùng với chính quyền địa phương ở đó cũng như cơ quan quân sự ở đó làm. “Mà tôi tin các anh có làm rồi, chính quyền địa phương cũng như quân sự địa phương có đồng ý như thế nào đó thì Ngân hàng chính sách mới tiếp tục làm” bà Chuyền nói.
Bà cũng cho biết thêm, khi phát hiện hài cốt liệt sỹ ở Quảng Trị, Bộ LĐ-TB-XH thấy có dấu hiệu nghi vấn nên đã có văn bản yêu cầu Viện pháp y của Quân đội, Viện khoa học LĐ-XH phải giám định AND những hài cốt liệt sỹ được tìm thấy.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH hội Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí.
“Khi khẳng định, không có cơ sở “hài cốt” tìm thấy là xương người thì chúng tôi phải yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Tháng 8/2013, tôi có văn bản đề nghị cơ quan an ninh của Bộ Công an xem xét sự việc”, bà Chuyền nói. Khi phát hiện ra các hiện tượng này, từ tháng 7/2011 Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ. Khi phát hiện ra hài cốt thì phải báo cáo với chính quyền, lực lượng quân đội địa phương để phối hợp tìm.
Riêng trường hợp “cậu Thủy”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn đề nghị cơ quan an ninh vào điều tra. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là phải sớm tìm ra sự thật và xử lý nghiêm những trường hợp lừa đảo này”.
Phải giám định AND với mọi hài cốt tìm kiếm được
Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện đề án tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, Bộ LĐ-TB-XH thực hiện việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.
Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, yêu cầu tất cả các hài cốt liệt sỹ tìm được nằm ngoài kênh thông tin của lực lượng quân đội, hoặc là bạn bè, chiến hữu của liệt sỹ đưa về, đều phải làm giám định AND. Nếu đúng, lúc đó mới được làm lễ truy điệu và đưa các liệt sỹ vào nghĩa trang.
Về việc gần đây nhiều nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sỹ liên tục xuất hiện từ đó dẫn đến việc lừa đảo, bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá: Việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đưa về quê hương là nguyện vọng chính đáng của toàn xã hội. Chính phủ ngoài việc giao cho Bộ Quốc phòng cũng đồng ý cho các tổ chức, cá nhân khi phát hiện được thì báo cáo với chính quyền địa phương nơi phát hiện để phối hợp làm. Thực chất đã có một bộ phận trục lợi từ việc làm nhân văn này và để làm tốt thì phải tuyên truyền hơn nữa để bản thân người dân cảnh giác với vấn đề này. Với bất kể đối tượng nào trục lợi việc tìm hài cốt liệt sỹ phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thực ra, không phải gần đây mới có dư luận về câu chuyện lợi dụng tâm linh để trục lợi. Đầu năm 2011, theo sự tham mưu của cấp dưới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH đã ký quyết định số 13/QĐ-LĐTBXH về việc Tặng Bằng khen – tặng bằng khen cho 38 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong số này, có sự góp mặt của phần lớn là nhà ngoại cảm.
Quyết định số 13 khen thưởng các nhà ngoại cảm
Sau đó ít tháng, giữa tháng 8/2011, theo tường thuật của báo Pháp luật TP.HCM, tại hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm với Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phía Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Tôi rất ân hận vì khi còn làm bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, tôi đã ký vào bằng khen cho những nhà ngoại cảm. Sau khi có tấm giấy đó, họ về phóng to để thành lập trung tâm tìm mộ liệt sĩ. Chưa dừng ở đó, một số nhà ngoại cảm còn nói bừa là đã gặp gỡ, thân mật với tôi để trao đổi những vấn đề liên quan đến việc tìm mộ liệt sĩ nhưng kỳ thực tôi chưa bao giờ biết mặt mũi, gặp gỡ họ lần nào cả…”. Bà tiếp: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm, vì vậy tôi đề nghị khi tham mưu cho bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký các quyết định, bằng khen các nhà ngoại cảm phải hết sức lưu tâm”.
THEO NGƯỜI ĐƯA TIN