LINK GỐC BÀI BÁO ĐÃ BỊ XÓA TẠI ĐÂY:
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/giam-doc-so-y-te-ha-noi-va-nhung-chuyen-map-mo-2358749/
Theo tìm hiểu thì người thanh niên chụp X- Quang cho bệnh nhân này không mặc áo của bệnh viện, không phải là người của bệnh viện và khi chụp xong thì đưa phim và giấy kết quả cho một bác sĩ ngồi ở phòng khác ký.
Năm 2003, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã huy động vốn từ hơn 400 nhân viên của bệnh viện để mua máy chụp cắt lớp (CT) để đưa vào bệnh viện hoạt động với cam kết 10 năm sau mới thanh lý, có lợi nhuận chia đều theo khoản đóng góp của mỗi người.
Thế nhưng, máy mua về đang hoạt động tốt thì được 3 năm đã bán. Hơn nữa, theo gần 100 cán bộ nhân viên bệnh viện Sơn Tây phản ánh, việc mua bán máy này có nhiều điểm khuất tất, chưa được rõ ràng gây nhiều bức xúc cho cán bộ nhân viên ở bệnh viện.
Theo y tá Bùi Thị Thanh Phong – Khoa RHM (Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây) phản ánh với báo Đất Việt, vào năm 2003, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Khi đó ông Hiền đang là giám đốc bệnh viện Đa khoa Sơn Tây) đã ra chủ chương huy động vốn từ nhân viên trong bệnh viện góp tiền vào mua máy CT để hoạt động trong bệnh viện, lỗ lãi sẽ chia tính theo số tiền mà từng nhân viên đóng góp.
Bà Phong cho biết: “Nhân viên bệnh viện có tới hơn 400 cán bộ, 2 người ít nhất đóng 500.000 đồng, người nhiều nhất đóng 10 triệu, còn lại là phấn lớn những người đóng từ 1 – 3 triệu. Chính ông Nguyễn Khắc Hiền đã cam kết 10 năm sau mới thanh lý máy và lời lãi thế nào sẽ chia cho từng người theo khoản đóng góp.
Tuy nhiên, khi máy đang hoạt động bình thường thì năm 2006, Giám đốc bệnh viện lại thông báo bán máy này cho một công ty tư nhân. Điều lạ lùng là sau khi bán máy, chiếc máy đó vẫn ở bệnh viện hoạt động từ đó cho đến nay.
Chỉ khác là có thêm một người từ công ty đã mua máy đến quản lý và thực hiện việc chiếu chụp cho bệnh nhân còn người ký vào phim chụp thì lại là người khác”.
Căn phòng để máy CT ở bệnh viện Sơn Tây luôn được đóng kín, khi có người lạ tiếp cận luôn có một người ở bên trong hỏi dò xét kỹ càng.
Bà Phong cho biết thêm: “Việc mua bán máy hết bao nhiêu không được ban lãnh đạo công bố với toàn thể nhân viên bệnh viện, mặc dù tiền mua máy là của tất cả mọi người góp vào.
Có những người khi bán máy được cả năm trời ban lãnh đạo bệnh viện mới hoàn lại vốn đóng ban đầu cho người ta mà cũng không công bố kinh doanh lỗ lãi ra làm sao. Thú thật, đến bây giờ tôi chẳng biết được số tiền mình đóng cho ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mua máy được sử dụng như thế nào.
Việc này diễn ra trong suốt 7 năm nay, không ai trong bệnh viện là không biết nhưng ban lãnh đạo bệnh viện vẫn ỉm đi mà không công khai cho nhân viên.
Nhân viên bệnh viện hết sức bức xúc về cách làm ăn của ông Nguyễn Khắc Hiền và những người tiền nhiệm của bệnh viện”.
Chiều ngày 30/10, tìm đến phòng chụp CT để tìm hiểu về tình trạng chiếc máy mà bà Phong phản ánh. Chiếc máy này luôn được bảo vệ kỹ lượng, hạn chế cho nhiều người tiếp cận. Bên trong lúc nào cũng có một nhân viên mặc áo blue ngồi. Vừa mở cửa, nam nhân viên này đã nhăn mặt, tỏ thái độ dò xét.
Khi hỏi về tình hình chiếc máy, thì được một nam nhân viên này cho biết máy đang hỏng nên không thể hoạt động được. Trong khi đó, trong phòng máy vẫn mở điều hòa, vẫn sáng đèn.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, máy X-Quang của bệnh viện Sơn Tây cũng đều đưa từ công ty tư nhân bên ngoài vào sử dụng.
Trong chiều ngày 30/10, PV ghi lại được hình ảnh một người đàn ông không mặc áo blue những vẫn tiến hành chụp X-Quang cho bệnh nhân rồi đưa kết quả chiếu chụp X-Quang đó đưa cho một bác sĩ ký.
Theo tìm hiểu của báo Đất Việt thì người thanh niên chụp X- Quang cho bệnh nhân này không mặc áo của bệnh viện, không phải là người của bệnh viện và khi chụp xong thì đưa phim và giấy kết quả cho một bác sĩ ngồi ở phòng khác ký.
Theo nguồn tin riêng của báo Đất Việt, người đàn ông này không phải là nhân viên của bệnh viện mà là người của công ty tư nhân đưa vào và việc họ có bằng cấp về ngành y hay không thì không ai được rõ.
Bà Phong phản ánh: “Sự việc này xảy ra từ năm 2006, lúc bệnh viện lên tiếng bán máy xong là người này về túc trực hẳn ở đây. Hàng năm Sở Y tế Hà Nội đều về kiểm tra tại sao lại không xử lý vi phạm này? Trách nhiệm này thuộc về những người đứng đầu quản lý ngành Y tế của Hà Nội”.
Ban lãnh đạo bệnh viện lảng tránh
Bà Bùi Thị Thanh Phong cho biết: “Trong nhiều cuộc họp giao ban. Khi cán bộ trong bệnh viện yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện minh bạch trong việc mua bán máy này nhưng họ – ban lãnh đạo bệnh viện vẫn luôn lảng tránh.
Từ thời ông Nguyễn Khắc Hiền (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) làm giám đốc bệnh viện cho tới bây giờ là ông Trường cũng chưa thấy công bố được mua máy bao nhiêu, bán máy bao nhiêu, kinh doanh lỗ lãi thế nào, công ty nào là người mua máy, tại sao trên danh nghĩa máy bán đi rồi mà vẫn còn nguyên ở chỗ cũ và hoạt động bình thường?”.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Đình Đính – Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho biết: Việc mua bán máy diễn ra vào năm 2003 và năm 2006, khi đó tôi đi học nên không biết sự việc diễn ra như thế nào.
“Việc này do ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – nguyên Giám đốc bệnh viện mua và ông Phùng Xuân Trường – Giám đốc bệnh viện (hiện tại) bán. Việc thu chi như thế nào là do hai ông này và trưởng phòng tài chính của bệnh viện nắm giữ”.
Tất cả những điều bất minh này chỉ có người đứng đầu ngành y tế Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Hiền trả lời được rõ ràng. Các cấp lãnh đạo của Hà Nội sẽ trực tiếp xác định trách nhiệm người đứng đầu của ông Nguyễn Khắc Hiền về hàng loạt vụ việc gây chấn động vừa qua như vụ Thẩm Mỹ viện Cát Tường, vụ nhân bản tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nghi truyền nhầm máu cho sản phụ ở ngay chính bệnh viện ông Nguyễn Khắc Hiền từng làm giám đốc.
Công ty sân sau hay hợp đồng kì lạ kiểu bệnh viện Hoài Đức?
Ngày 21/11/2011, GĐ BVĐK Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm đã có văn bản gửi Công ty CP dược Hà Tây, trình bày máy xét nghiệm huyết học và phân tích sinh hóa của bệnh viện thường xuyên hỏng hóc, nguồn kinh phí tự chủ chưa có, đề nghị được mượn một máy xét nghiệm huyết học và một máy xét nghiệm phân tích sinh hóa để đảm bảo khám chữa bệnh.
Trong khi theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, BVĐK Hoài Đức mới được đầu tư máy xét nghiệm mới do Đức sản xuất năm 2010.
Ngay sau khi nhận được văn bản này, Chi nhánh Đông dược- vật tư y tế của Công ty CP dược Hà Tây đã có văn bản mượn một máy phân tích huyết học tự động 18 thông số và một máy phân tích sinh hóa bán tự động, rồi nhanh chóng cho BVĐK Hoài Đức mượn lại.
Theo đại diện Công ty CP dược Hà Tây, trong 2 chiếc máy này thì chiếc mới 100% họ phải đi thuê để cho BVĐK Hoài Đức mượn, còn chiếc đã qua sử dụng thì họ mượn để… cho mượn. “Nếu xét theo lý lẽ thông thường thì mọi người sẽ thấy việc này là lạ, nhưng người đi bán hàng (hóa chất – PV) thì lại phải chiều theo khách hàng”- vị đại diện này cho biết.
Cũng theo tổng hợp của Công ty CP dược Hà Tây, nhờ cho mượn máy mà 2 năm 2011-2012, Chi nhánh Đông dược – vật tư y tế của công ty này đã trúng thầu tổng cộng hơn một tỷ đồng hóa chất vàoBVĐK Hoài Đức. Và cũng công ty cũng giải thích thêm ở mặt hàng hóa chất là họ chỉ trúng thầu vào Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Tuy nhiên đến năm 2013 này, Công ty không trúng thầu hóa chất vào BVĐK Hoài Đức cũng như bất kỳ bệnh viện nào khác.
“Hợp đồng mượn máy là từ 1-3 năm, năm nay không trúng thầu cung cấp hóa chất không biết vì lý do gì”- đại diện Công ty CP dược Hà Tây cho biết.
THEO ĐẤT VIỆT