(Dân trí) - Nói về thương hiệu Việt bị “lép về” so với thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, một số sản phẩm chủ lực khi xuất đi thế giới không được “khoác” lên mình tên gọi Việt Nam mà phải đi mượn nhãn hiệu của nước khác.
ADB: Vị trí á quân xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị đe dọa.
Được mùa, mất giá
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều ngành sản phẩm giá trị tăng còn thấp chưa gắn được với mảng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới công nghệ còn chậm, hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư còn thấp. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu. Chất lượng quy hoạch quản lý thu nhập còn hạn chế.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn chậm, với cải cách hành chính còn hạn chế. Đây là cản trở lớn trong hiệu quả đầu tư. Theo đại biểu Khá, thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới chưa được tận dụng có hiệu quả, chưa có chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, hướng đến các sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn có giá trị tăng cao của một số sản phẩm chủ lực được người nông dân làm ra như: lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, tôm, cá da trơn ...
“Các sản phẩm này có tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới nhưng không có thương hiệu Việt Nam mà phải xuất khẩu bằng các nhãn hiệu của nước khác, giống như thân thể là người Việt Nam nhưng áo mặc bên ngoài là mượn của người khác”, đại biểu ví von.
Một lần nữa, đại biểu lại nhắc đến tình trạng bị động trong tiêu thụ nông sản của Việt Nam với tồn tại “được mùa, mất giá”. Theo đại biểu, đó là do ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghê cao, đổi mới mô hình sản xuất quy hoạch liên vùng vượt qua địa giới hành chính theo chuỗi giá trị hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao với chính thương hiệu của nó từ đồng ruộng đến bàn ăn chưa được đầu tư đồng bộ.
“Các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước mặc dù được hỗ trợ chính sách bình ổn giá cho người nông dân nhưng chưa thực sự đầu tư đến nơi, đến chốn mà trải qua nhiều tầng nấc trung gian. Người nông dân đổ mồi hôi sôi nước mắt thì lại hưởng lợi ít, người trung gian có lợi thế ngồi mát ăn bát vàng”, đại biểu nhấn mạnh.
Đề cao thành tựu của ngành nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước, bảo đảm cho kinh tế - xã hội ổn định phát triển, tiếp thêm sức để thực hiện nhiệm vụ chống suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn của nước ta cũng đã từ lâu tồn tại những khó khăn, vướng mắc và kể cả những bức xúc như thu nhập của nông dân thấp quá.
Đại biểu Cường dẫn chứng: “Trung bình một nông dân thu nhập 1 năm chỉ có hơn 4 triệu, tương đương với 200 USD, đời sống khó khăn. Tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan, nông dân nuôi cá tra thì thua lỗ nặng nề và còn nhiều chuyện khác nữa mà cử tri nông dân đã phản ảnh, kiến nghị đến nhiều cấp, kể cả Quốc hội nhưng việc giải quyết và tháo gỡ rất chậm, kết quả đạt thấp”.
Do đó, tại kỳ họp này, cử tri nông dân vẫn tiếp tục phản ánh kiến nghị những vấn đề trên và đã có trong tổng hợp những ý kiến cử tri gửi Quốc hội. Ngoài ra, đại biểu cũng “điểm danh” hai vấn đề lưu tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đó là, trong khi tăng trưởng chung của kinh tế cả nước dự báo đạt 5,4%, thì khả năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ còn có 2,81%. Đây là mức rất thấp so với tăng trưởng của nông nghiệp những giai đoạn trước và cũng rất thấp so với mục tiêu Nghị quyết trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra. Bên cạnh đó, trong khi lao động nông thôn thiếu việc làm đang có xu hướng gia tăng thì xuất hiện một bộ phận nông dân không còn tha thiết với sản xuất nông nghiệp, thể hiện rõ nhất ở Bắc bộ và cả Bắc Trung bộ, nông dân bỏ ruộng không làm, có tỉnh diện tích bỏ ruộng lên đến hàng ngàn hecta.
“Đây là điều rất không bình thường, bởi vì đối với nông dân làm ruộng là nghề truyền thống, có thể nói là nghề cha truyền con nối, ruộng đất chính là nguồn sống chính của người nông dân”, đại biểu khái quát.
Nhiều nguồn lực nông nghiệp giảm
Lý giải những tồn tại mà đại biểu Cường nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Nguyên nhân chính là do những nguồn lực quan trọng của nông nghiệp thời gian gần đây có xu hướng giảm, trong đó quan trọng nhất là đất đai. Nhiều loại đất quan trọng như đất lúa diện tích đã giảm nhanh, cùng với giảm diện tích đất nông nghiệp, đất lúa là giảm năng lực sản xuất nông nghiệp. Số lượng lao động cũng có thời điểm đã giảm nhưng trong 2 năm gần đây có thể tăng trở lại.
Bộ trưởng Phát cũng cho rằng, “đầu tư của nhà nước và xã hội cho nông nghiệp tăng chậm. Những năm gần đây, chúng tôi theo dõi thì tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu là dựa vào tăng năng suất nhưng sự tăng đó lại phải bù cho phần mất đi do giảm diện tích, đặc biệt là do thiên tai gây ra. Thiệt hại do thiên tai những năm gần đây về người thì giảm nhưng về tài sản lại tăng lên, riêng 10 tháng năm 2013 thiệt hại về tài sản ước tính 21.900 tỷ đồng và có 211 người bị chết và mất tích”.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Phát cho biết đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ những kỳ họp trước. Ông nói: "Đúng là xây dựng thương hiệu phải do doanh nghiệp nhưng nhà nước phải triển khai thực hiện những biện pháp để hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã rà soát lại về cây lúa, đã một thời gian tích cực khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học chọn tạo rất nhiều giống lúa để phổ biến cho nhân dân, làm tăng năng suất, tăng chất lượng lúa nhưng dẫn đến tình trạng chúng ta có rất nhiều giống lúa trồng trên một địa bàn, điều đó cũng gây ra khó khăn, nhất là trong điều kiện không có liên kết giữa sản xuất và kinh doanh".
Bộ trưởng Phát khẳng định: "Tôi đã chỉ đạo các viện nghiên cứu tập hợp lại để chọn tạo ra một số lượng nhỏ giống có năng suất và chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt có giá trị thương mại cao hơn, có tính ổn định cao hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi liên kết với nông dân theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có thể làm ra lúa gạo với chất lượng đồng nhất, tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu. Mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến công việc này trên nhiều khía cạnh khác".
Nguyễn Hiền