HÀ NỘI (NV) - Không có sự cầm tù nào thê thảm và tàn hại bằng sự cầm tù tư duy của con người. Ðổi mới tư duy phải là bước đầu tiên và cũng là bước tiếp theo cho mọi đổi mới.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, khẳng định như thế khi trò chuyện với tở Tuổi Trẻ vào thời điểm Quốc Hội Việt Nam bắt đầu thảo luận về dự thảo Hiến Pháp mới.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, khẳng định như thế khi trò chuyện với tở Tuổi Trẻ vào thời điểm Quốc Hội Việt Nam bắt đầu thảo luận về dự thảo Hiến Pháp mới.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Trong khi giới lãnh đạo Ðảng CSVN muốn Quốc Hội Việt Nam thông qua dự thảo Hiến Pháp, vốn chẳng có gì mới so với Hiến Pháp hiện hành ngay trong kỳ họp này, có vẻ một số đại biểu Quốc Hội và một số viên chức của cả Quốc Hội lẫn chính phủ Việt Nam đang muốn cưỡng lại chỉ đạo đó.
Dường như hệ thống truyền thông Việt Nam cũng bắt đầu nhúc nhích, gián tiếp ủng hộ các nỗ lực này thông qua những tin, bài tường thuật và những cuộc phỏng vấn như cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Dũng do tờ Tuổi trẻ thực hiện.
Giống như một số đại biểu Quốc Hội, ông Dũng khẳng định việc xem xét, sửa đổi Hiến Pháp hiện hành là “cơ hội lịch sử để thiết kế nền quản trị quốc gia đáp ứng được yêu cầu của thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển.” Ðồng thời khẳng định, “mọi chuyện nên bắt đầu từ chính cái đầu của chúng ta.”
Tuy Ðảng CSVN đã đề cập đến “đổi mới tư duy” từ lâu nhưng theo ông Dũng, vấn đề nằm ở chỗ thiếu những kiến thức mới, những khái niệm mới... và vì vậy “khó lòng đổi mới được tư duy.” Theo ông Dũng, không thể đổi mới tư duy bằng cách “xào nấu lại các giáo điều xưa cũ.”
Cách nay khoảng một tuần, ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam, khẳng định với các đại biểu Quốc Hội Việt Nam: “Nếu không đổi mới, chắc chắn Việt Nam sẽ khó khăn.” Ông Dũng nhận xét, ông Vinh đã phát biểu rất thẳng thắn và rất đúng.
Ông Dũng cảnh báo, chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, sẽ không có tương lai.
Nhân vật hiện là phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam nhấn mạnh, cần lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà dân cũng đã rất khác. Ông Dũng bảo rằng, ông có cảm giác “hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.”
Ông Dũng lý giải “khó khăn” mà ông Vinh lưu ý Quốc Hội, sẽ đến không chỉ từ việc phải cạnh tranh toàn diện với các quốc gia khác, mà còn từ “những mong đợi và những đòi hỏi lớn hơn của những người dân đã hiểu biết và trưởng thành vượt bậc.”
Dẫu cho giới lãnh đạo Ðảng CSVN vẫn muốn hiến định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình như trước nay, khi trả lời phỏng vấn, ông Dũng vẫn nhắc đi, nhắc lại nhiều lần về việc “đổi mới nền quản trị quốc gia.” Theo ông, thực tế phát triển trên thế giới đã chứng minh, không phải tài nguyên, vị trí địa lý hay thời tiết mà thể chế do con người xây dựng là nguyên nhân căn bản của sự thành công hay thất bại về kinh tế, cũng như về phát triển.
Ông Dũng - người từng học luật tại Ðức bảo rằng, ông hình dung nền quản trị quốc gia hiện đại phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm pháp quyền. Bảo đảm trách nhiệm giải trình. Bảo đảm sự minh bạch. Bảo đảm sự tham gia và sự dự phần của mọi người dân. Ông Dũng nói thêm, những yêu cầu đó không phải là sáng kiến của ông mà là tổng kết của Liên Hiệp Quốc từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Dũng, đòi hỏi đầu tiên đối với việc đổi mới nền quản trị quốc gia là phải xác lập cho bằng được pháp quyền và đó là một vấn đề mang tính kỹ trị. “Ý chí chính trị” phải kết hợp với kiến thức và sự hiểu biết mới giúp Việt Nam xây dựng được pháp quyền.
Ông Dũng kể thêm rằng, vài tuần trước khi ông Võ Văn Kiệt - cựu thủ tướng Việt Nam - qua đời, ông Kiệt có gọi ông đến trò chuyện, lúc đó, ông đã trình bày “phải hết sức tránh việc hình thành hai nhà nước trong một đất nước.” Ðó cũng là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất để đổi mới nền quản trị quốc gia.
Ông Dũng tiết lộ, Ðảng CSVN đã từ tính tới chuyện “nhất thể hóa” Ðảng và nhà nước nhưng nhiều theo ông, nhiều khía cạnh của vấn đề này không thể chỉ giải quyết bằng việc sửa đổi Hiến Pháp. Có nhiều vấn đề cơ bản mà nếu không được thiết kế trong Hiến Pháp thì rất khó mở đường cho việc đổi mới tiếp theo nền quản trị quốc gia. (G.Ð)