SỐNG MỚI - 07/11/2013 -- Ngày 6/11, Quốc hội bước sang ngày thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, trong đó các vấn đề về định giá bồi thường đất đai và thu hồi, trưng dụng đất đai vẫn là đề tài thu hút nhiều góp ý trái chiều từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Phát biểu ngay đầu giờ sáng, ĐBQH Ya Duck (Lâm Đồng) đã góp ý ban Dự thảo nên bỏ phần quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội. Bởi nếu nhà nước vẫn tiếp tục quy định thu hồi đất vì mục đích này một cách chung chung thì nó sẽ bị lợi dụng trong quá trình tổ chức thực hiện và sẽ tiếp tục tạo ra các khiếu nại, tranh chấp như vừa qua. Nếu đúng là mục đích kinh tế - xã hội thì việc quy định thu hồi để sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì cũng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Còn các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác phải thực hiện hình thức mua hoặc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất. Chưa kể theo Khoản 1, Điều 74 dù đã quy định giá đất để tính bồi thường nhưng phần quan trọng nhất lại bỏ ngỏ như bồi thường như thế nào, giá đất là giá bao nhiêu, giá nào, giá thị trường hay giá của nhà nước. Và đây chính là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và phức tạp dẫn đến việc khiếu nại đất đai trong thời gian qua, ông Ya Duck nói.
Đi sâu hơn vào khía cạnh thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đưa ví dụ một số nước phát triển tại châu Á như Thái lan, Mailaysia, Indonesia để dẫn chứng cho cơ chế: không áp dụng “thu hồi đất” mà là “góp đất, điều chỉnh lại đất đai”. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng cho thuê góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Còn đối với giá đất đại biểu Hoàng nhấn mạnh cần phải làm rõ trong cần làm rõ trong Điều 112, Mục 2, Chương VIII vấn đề thế nào là giá thị trường? giá thị trường được xác định như thế nào.
“Theo tôi thị trường là phải để thị trường quyết định, giá qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Khi đó giá đất rất minh bạch, ngay trong một xã, một thôn, một ấp có thể có giá đất khác nhau và người dân được đền bù khác nhau, bởi thôn, ấp bị thu hồi có vị trí thuận lợi khác nhau, vị thế khác nhau.” – ông Hoàng nhận định. Ngoài ra, nếu quá trình đấu giá đại diện người dân được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá thì hướng làm minh bạch này sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng mà đa phần do chưa hài lòng về giá đền bù. Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho.
Trong kỳ họp này, có thể các ĐBQH sẽ bấm nút biểu quyết để thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tiếp thu lần này có cái gì đó không tốt
“Các trường hợp thu hồi đất tôi thấy tiếp thu lần này có cái gì đó không tốt bằng dự luật trình ra kỳ họp thứ 5. Chúng ta quy định riêng đối với thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là một điều hết sức cụ thể. Quy định thẩm quyền của Quốc hội, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cũng cụ thể. Bây giờ chúng ta nhập 2 điều, các trường hợp thu hồi đất về lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và chúng ta bỏ 4-5 chữ để thực hiện các dự án bây giờ chúng ta ghi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vào một điều thì tôi thấy chưa hợp lý – ĐBQH Ngô Văn Minh ( Quảng Nam )
|
Khái niệm sở hữu toàn dân quá chung
“[…] tôi thấy khái niệm về “sở hữu toàn dân” là quá chung và có tính pháp lý chưa cao và chưa thật đúng với thực tế. Để phù hợp hơn so với thực tế và thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tôi đề nghị quy định tại đây là “sở hữu nhà nước” sẽ có cơ sở pháp lý hơn và quy định như vậy cũng không làm mất đi bản chất của chế độ. Bởi vì bản chất của nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Nên việc nhà nước đại diện cho nhân dân sở hữu đất đai là phù hợp và nhà nước thống nhất quản lý và trao quyền sử dụng cho người dân sử dụng đất theo quy định của luật này - ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)
|
Mạnh Kiên