RFA - 06/11/2013
Mấy trăm nông dân thuộc ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sáng nay lại phải kéo nhau đến văn phòng Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc tại 46 Tràng Thi, Hà Nội. Mục đích được cho biết nhằm yêu cầu cơ quan chức năng trung ương có ý kiến với các cấp chính quyền địa phương có biện pháp cụ thể ổn định trận tự tại địa phương trước những thành phần bất hảo công khai hoành hành tại đó.
Một người dân đi khiếu kiện trong đoàn cho biết như sau:
“Hôm nay bà con đi độ khoảng 400-500 người thôi. Mục đích sang tại Mặt trận Tổ quốc là muốn họ giúp dân vì tình hình địa phương hiện nay rất phức tạp. Phức tạp là chỗ đất mà chúng tôi giữ lại để giữ nguyên hiện trường chờ đợi giải quyết, hiện nay họ cho máy múc, máy ủi rồi bơm cát vào khu đồng mà chúng tôi giữ. Đặc biệt nhất là nhóm gọi là xã hội đen cứ ngông cuồng dao kiếm trong đường làng. Dân chúng tôi không hài lòng chỗ đó. Bức xúc là ở chỗ đó. Đặc biệt nhất các cháu còn trẻ toàn là con em địa phương, và điều làm chúng tôi phải suy nghĩ là công an huyện bảo kê cho chúng làm như thế; nên chúng tôi không chấp nhận điều đó được.”
Tôi nói đây không phải là cưỡng chế mà là bức chế, vì không hề có thông báo, không hề có quyết định mà bây giờ bảo gia đình chúng tôi chống đối. Chúng tôi không nhận là chống đối mà dùng quyền lực áp bức gia đình tôi để đóng cọc mốc. Chúng tôi đã sống và canh tác trên mảnh đất này là 27 năm rồi.Một phụ nữ
Trong khi đó tại phía nam, một hộ gia đình tại khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa từ hôm qua đến hôm nay 6 tháng 11 tỏ ra vô cùng bức xúc khi một đoàn công tác gồm các lực lượng chức năng đến đóng cọc phân mốc trên đất của gia đình này mà không có văn bản thông báo theo đúng qui định của pháp luật.
Một phụ nữ trong gia đình cho Đài chúng tôi biết sự việc như sau:
“Tôi nói đây không phải là cưỡng chế mà là bức chế, vì không hề có thông báo, không hề có quyết định mà bây giờ bảo gia đình chúng tôi chống đối. Chúng tôi không nhận là chống đối mà dùng quyền lực áp bức gia đình tôi để đóng cọc mốc. Chúng tôi đã sống và canh tác trên mảnh đất này là 27 năm rồi. Tôi nói với anh công an khu vực, đây là quyền sử dụng, chỉ sau 6 tháng tôi là người có quyền sử dụng. Anh ấy có hỏi tôi rằng quan trọng là quyền sở hữu. Tôi nói nếu quyền sở hữu thì tôi đấu tranh kiểu khác chứ không nói bằng miệng như thế này. Không thông báo gì cả mà hiên ngang vào.
Lực lượng chiều hôm qua: cả công an, cả bộ đội và phường khoảng dưới 50 người. Lực lượng công an đông hơn 10 người với còng, súng… cùng với một xe thùng nữa. Lực lượng của phường cũng huy động đông hơn, có 4-5 chị em phụ nữ nữa. Theo như anh Châu bên hình sự thành phố nói là phạm nhân. Còn lực lượng bộ đội xuống khu vực ruộng nhà tôi khoảng trên 100 người. Tôi nghe người ta nói còn rải đều cách khu vực đóng cọc chừng 100 mét đổ ra, họ sợ gia đình chúng tôi khủng bố gì đó; nhưng gia đình chúng tôi trẻ già, lớn bé chỉ có hơn 10 người và đấu tranh bằng lời, đúng pháp luật, đúng sự thật.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam báo cáo tại kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội rằng từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan chức năng từ cấp địa phương đến Trung ương tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó lĩnh vực đất đai chiếm đến 70%.
Trường hợp ba xã ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một vụ lớn vẫn chưa được giải quyết và trường hợp của gia đình vừa nêu tại khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hẳn sẽ là một vụ mới nếu như vẫn tiếp diễn như lời người trong cuộc vừa cho biết.