VIỆT NAM - Nhiều tổ chức quốc tế, dân biểu các quốc gia Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, đã đồng loạt ký tên vào một kháng thư, phản đối Việt Nam tham gia Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC).
Hồi cuối tháng 7 năm nay, Việt Nam nộp hồ sơ ứng cử UNHRC, nhiệm kỳ 2014-2016.
Kháng thư vừa kể đã được gửi cho bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Catherine Ashton, đại diện cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu về Chính Sách An Ninh-Ðối Ngoại, phản đối việc để Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Algeria, Jordan, Nga, Ả Rập Xê Út trở thành thành viên UNHRC tại cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 11.
Công an thẳng tay đánh đập dân chúng như trong ảnh là cảnh rất thường thấy tại Việt Nam. (Hình: Internet) |
Kháng thư thúc giục các đại diện cho Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu ngăn chặn những quốc gia vừa kể vì thành tích nhân quyền của các quốc gia này không xứng đáng với thanh danh của UNHRC nói riêng và của Liên Hiệp Quốc nói chung.
Theo nghị quyết của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, các quốc gia ứng cử vào UNHRC phải duy trì những tiêu chuẩn cao nhất trong việc bảo vệ và thăng tiến nhân quyền. Tuy nhiên, những quốc gia mà kháng thư liệt kê vẫn bị xem là không đáp ứng các tiêu chuẩn căn bản nhất, đồng thời có thành tích rất tệ trong việc bảo vệ nhân quyền ngay tại quốc gia đó, cũng như phát huy nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc.
Thay vì để các quốc gia bị phản đối, tạo ra ảnh hưởng quan trọng đối với các quyết định sống còn về nhân quyền, kháng thư đề nghị Liên Hiệp Quốc cần thông qua những nghị quyết lên án các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, có hệ thống ở những quốc gia đó.
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và đại diện cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại được đề nghị hãy lên tiếng vì hàng triệu nạn nhân trên toàn cầu, vốn đang cần một cơ quan nhân quyền quốc tế hiệu quả và khả tín.
Ngoài việc tham gia ký tên vào kháng thư vừa kể, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) cũng đã soạn riêng một thư gửi thủ tướng Việt Nam, kêu gọi Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực về “bảo vệ và thăng tiến nhân quyền.”
HRW nhận định, tình hình nhân quyền tại Việt Nam hoàn toàn trái ngược với tài liệu mà Việt Nam từng trình cho chủ tịch Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 8. Trong đó khẳng định, Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền để ứng cử vào UNHRC. Theo HRW, trên thực tế, Việt Nam đã và đang tăng cường đàn áp để dập tắt những ý kiến bất đồng, những chỉ trích đối với chế độ độc đảng, đe dọa những cá nhân phê phán tham nhũng, cưỡng chế đất đai, bất bình đẳng kinh tế-xã hội, hay những qui định vi phạm nhân quyền.
HRW xem sự hình thành Mạng Lưới blogger, với Tuyên bố 258 (đòi hủy bỏ điều 258 trong luật hình sự hiện hành) là một trong những biểu hiện bất mãn ngày càng lớn của dân chúng Việt Nam. HRW còn dẫn trường hợp Ðinh Nhật Uy (một blogger bị bắt giam bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo) vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” là bằng chứng cho thấy, Việt Nam không xứng đáng là thành viên của UNHRC.
Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền khuyến khích Việt Nam hãy giải quyết những vấn nạn nhân quyền trước ngày 12, cụ thể là hãy phóng thích ngay lập tức, vô điều kiện 10 tù nhân đang bị giam cầm chỉ vì thực hiện những quyền cơ bản của con người. Những tù nhân được HRW đề cập trong thư ngỏ này là các ông, bà: Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Ðinh Ðăng Ðịnh, Hồ Thị Bích Khương, Vi Ðức Hồi.
Theo HRW, đây chỉ là mười gương mặt tiêu biểu trong số hàng trăm tù chính trị đang bị giam cầm. HRW cho rằng, việc thả mười tù chính trị mà họ nêu tên là “một bước quan trọng để chứng minh cam kết của Việt Nam đối vơi việc cải thiện thực trạng nhân quyền” khi Việt Nam muốn trở thành một thành viên của UNHRC. (G.Ð)