(Dân trí) - Tuyệt vọng khi ngồi tù vì án oan, ông Nguyễn Thanh Chấn đã lấy dây chun quần quấn quanh cổ, lấy bàn chải đánh răng vặn dây, siết cổ mình hòng tự sát. Hành động quẫn trí của ông được bạn tù ngăn cản. Và ngày 4/11, ông đã được trở về với gia đình...
Từ ngày ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang được giải oan, được tạm đình chỉ thi hành án, trở về đoàn tụ với gia đình, nhà ông luôn tấp nập anh em, hàng xóm đến chia vui. Tuy nhiên, nỗi đau, nỗi ám ảnh của người phải chịu tù oan suốt 10 năm đâu dễ quên.
Ông Chấn chia sẻ: “Tôi vui mừng quá rồi, giờ đây không phải chịu điều tiếng nhục nhã như trước nữa. Cả đêm qua tôi không ngủ được đâu, hai vợ chồng chỉ ôm nhau mà khóc đến sáng. Cái án oan này khiến gia đình tôi mất đi nhiều thứ quá. Vợ con tôi đã phải chịu thiệt thòi nhiều thứ…”.
Trò chuyện với phóng viên, ông Chấn như đang trút nỗi uất ức, oan khuất của mình và gia đình trong suốt 10 năm đằng đẵng. Ông bộc bạch: “Vì suy nghĩ và lo cho tôi nhiều quá,, vợ tôi đã phải đi viện tâm thần điều trị trong nhiều năm. Cả 4 đứa con của vợ chồng tôi cũng bị tiếng oan của bố mà phải bỏ dở chuyện học hành”.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về cuộc sống đời thường sau 10 năm khoác áo tù nhân
Lá đơn kêu cứu của vợ ông Chấn
Ông Chấn nhớ lại, những ngày mới bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang bắt, truy tố tội “giết người” là những ngày ông sống trong nỗi sợ hãi tột cùng. “Lúc mới bị bắt, tôi không hề biết về mình phạm tội gì. Vì trước đó, hôm xảy ra án mạng, tôi còn ra giúp tại đám tang gia đình chị Hoan. Và cũng chính tôi là người đi chở quan tài chứ ai khác đâu”, ông thổ lộ.
Ông Chấn cũng thừa nhận chuyện ông bị ép cung. Ông còn nhớ rõ tên các cán bộ điều tra xét hỏi đã ép cung, đe dọa, bắt ông phải khai nhận tội dù ông liên tục kêu oan. “Ngày nào bị gọi lên tôi cũng nói rằng tôi không giết người, tôi bị oan, sao cán bộ cứ ép. Ngày nào cũng hỏi đau đầu, làm tôi hoang mang tư tưởng”, anh Chấn nhớ lại.
Theo anh Chấn, sau khi anh viết đơn tự thú theo sự hướng dẫn của điều tra viên, anh được chuyển lên Trại Kế, vào ở cùng buồng với Phạm Duy Hồng, một đối tượng phạm nhân “đầu gấu”. “Tôi mới vào đã bị hắn đánh cho một trận nhừ tử, dùng dép tát liên tiếp vào 2 mang tai, xong hắn bắt tôi hát, khi tôi nói rằng không biết hát thì lại bị thêm một trận đòn nữa với lý do “có thằng không học không biết chữ còn hát cho tao nghe được, còn mày thì không?”.
Người đàn ông tuổi ngũ tuần khóc trong vòng tay người thân
Theo lời kể của ông Chấn, ông đã phải thức suốt mấy đêm liền để tập diễn lại hành động giết người của mình. Dùng một người tù khác giả làm nạn nhân để tập bê, tập đâm bằng thìa, tập bao giờ cho thuần thục thì thôi. Sau đó, anh được di lý tới một ngôi nhà dân ở ngoài trại để quay phim thực nghiệm hiện trường trong một buổi sáng.
Ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958), người em “cọc chèo” với ông Chấn, kể lại, trong một lần đưa ra xét xử tại tòa án, ông Chấn có chỉ thẳng vào một kiểm sát viên tên Đ.T.V nói: “Ông V. kia, chính ông ấy hôm qua mang hồ sơ vào bắt tôi ký, tôi không ký còn đánh cả tôi”. Sau đó ông Chấn sụp xuống kêu oan tại tòa, rằng đã bị ép cung, bị cưỡng bức, nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục xét xử.
Sau khi đi thực hiện án, phạm nhân Chấn được chuyển đến trại Minh Quang. Kể từ đó cuộc sống của ông là những ngày bĩ cực. “Trong tù đã nhiều lúc bĩ cực, nghĩ quẩn tôi đã tìm cách tự kết liễu đời mình. Tôi vốn nhà quê, nông dân nên không chịu được cảnh tù lao kham khổ. Đã có lần tôi tự lấy dây chun quần quấn lên cổ, rồi lấy bàn chải đánh răng tự siết cổ mình tự sát nhưng đã được 3 bạn tù ngăn lại nên vẫn còn sống và nhận được may mắn như bây giờ” - người đàn ông chịu án oan hơn một thập kỷ vẫn cho rằng mình đang may mắn.
Rồi đây, sau khi được cơ quan chức năng làm rõ việc oan trái, ông Chấn sẽ lại tái hoà nhập xã hội với tư cách một người công dân tốt, sống bù cho 10 năm tuổi trẻ kêu oan trong tù.
Quốc Đô - Xuân Thái