THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 November 2013

Ai được xử phạt vi phạm giao thông?!

NLĐO -  Thứ Hai, 04/11/2013

Nhiều bạn đọc thắc mắc việc có nhiều lực lượng được phép dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt. Thiếu tá Đào Hoài Nam - Đội phó Đội Nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Công an TP HCM - trả lời về vấn đề này

* Phóng viên: Lực lượng nào có quyền dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt, thưa ông?
- Thiếu tá Đào Hoài Nam: Theo quy định của pháp luật, ngoài lực lượng chính là cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông thì có lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an xã, phường, thị trấn cũng thực hiện việc tuần tra, dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt ở một số hành vi vi phạm.
* Cụ thể, lực lượng CSGT, cảnh sát 113, công an phường được dừng xe và xử phạt trong trường hợp nào?
- Lực lượng CSGT, cảnh sát 113, công an phường được dừng xe và tiến hành xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông quy định cụ thể tại khoản 2 và khoản 3 điều 47 Nghị định 34 ngày 2-4-2010 của Chính phủ - đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 71 ngày 19-9-2012 của Chính phủ, gồm: dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định; điều khiển xe mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định; lưu thông đường cấm, ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông…
CSGT tuần tra, xử phạt xe máy vi phạm giao thông Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài lực lượng trên, còn lực lượng nào được quyền dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt? Trường hợp nào được dừng và xử phạt xe vi phạm?
- Ngoài lực lượng nêu trên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lực lượng thanh tra đường bộ cũng được quyền dừng và xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ; khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ… quy định cụ thể tại khoản 4 điều 47 Nghị định 34 - đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 71.
* Khi dừng xe vi phạm, lực lượng công an cần có điều kiện gì?
- Lực lượng công an - cụ thể là CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an xã, phường, thị trấn - khi thực hiện kế hoạch tuần tra, mệnh lệnh tổng kiểm soát của cấp có thẩm quyền phê duyệt phát hiện trực tiếp phương tiện giao thông vi phạm hoặc thông qua các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện phương tiện giao thông vi phạm và tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông thì được quyền dừng xe và tiến hành xử phạt.
Riêng đối với lực lượng CSGT, khi thực hiện công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phải có thêm biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an thì mới được dừng xe vi phạm.
Phải thông báo lỗi vi phạm
Thiếu tá Đào Hoài Nam cho biết ngoài CSGT, các lực lượng công an khác cần có kế hoạch hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền mới được dừng xe vi phạm và xử phạt.
Người tham gia giao thông có quyền hỏi lực lượng công an khi bị dừng xe và xử phạt về kế hoạch, quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt. Khi bị dừng phương tiện, người dân có quyền được biết mình đã vi phạm về hành vi gì và lực lượng dừng xe có trách nhiệm thông báo về lỗi vi phạm.

Trường Hoàng thực hiện