THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 November 2013

Mũ bảo hiểm dỏm: Đổ vạ cho dân!

Thứ Năm, 07/11/2013

(NLĐO) - Trách nhiệm thanh trừ mũ bảo hiểm dỏm là của các cơ quan chức năng, nhưng nay đã bị “đẩy” cho người dân. Từ là nạn nhân họ trở thành thủ phạm.

 
Vô lý, lạm quyền... là ý kiến của rất nhiều bạn đọc trước thông tin CSGT ở tỉnh Cà Mau phạt tiền người dân đội MBH dỏm nhưng ép họ ký biên bản xử phạt là không đội MBH. Việc MBH không đảm bảo chất lượng bỗng dưng trở thành lý do CSGT “gán” cho người dân vi phạm luật.

Muốn nói sao thì nói

“MBH không đạt chất lượng thì không phải MBH nên xem như là không đội MBH”. Lý luận trên của CSGT huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau quả là hiếm thấy và đầy khiên cưỡng. Họ cố tình đánh tráo khái niệm để miễn sao lập được biên bản xử phạt, bất chấp nỗi khổ của người dân.

Bạn đọc Lý Hải, chua chát: CSGT huyện Cái Nước quả là rất “sáng tạo” và thông minh. Đến nay chưa có quy định về việc xử phạt đội MBH dỏm nên các anh đã lý luận đội mũ dỏm thành... không đội. Thế là các anh thẳng tay xử phạt, người dân cãi không được, cấp trên kiểm tra cũng không thấy sai. Lâu ngày nghiễm nhiên hành vi đội mũ dỏm trở thành không đội mũ và mọi khổ ải của mũ dỏm lại đẩy cho người dân gánh.
Cảnh sát giao thông đang tuần tra, xử lý người vi phạm luật giao thông tại TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh 
 
Phân tích thêm vấn đề này, bạn đọc Hoài Ân, cho biết: Ngay cả các cơ quan chuyên ngành của nhà nước mà kiểm tra MBH dỏm còn vất vả nữa thì làm sao người dân có thể thẩm định được mũ nào thật, mũ nào dỏm. Trách nhiệm này là của các cơ quan chức năng. Để mũ dỏm tràn lan thì các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ vấy cho người dân là cố tình đội mũ dỏm. Mở rộng vấn đề, nếu ăn phải thực phẩm không an toàn, mua vé đi trên chiếc xe chưa kiểm định hoặc lớn hơn là bị tai nạn trên một cây cầu xuống cấp... thì là lỗi của người dân?

Gay gắt hơn một số bạn đọc ở tỉnh Cà Mau, nói thẳng: “CSGT nói rằng người dân đội mũ dỏm cũng là nói bừa. Làm sao các anh biết được đó là mũ dỏm. Muốn biết mũ người dân đội dỏm hay không thì phải đưa đến cơ quan kiểm định đàng hoàng và chi phí này người dân không chịu. Bởi anh nói họ vi phạm thì phải có trách nhiệm chứng minh điều đó”.

Hãy làm việc có tình, có lý

Trước cách làm việc trên của CSGT, nhiều bạn đọc cho biết: “Làm việc gì cũng phải có tình, có lý. Đúng ra những trường hợp như trên CSGT nên nhắc nhở và hướng dẫn cho bà con phân biệt nón thật và nón giả như thế nào thì mới đúng công an nhân dân chứ. Bà con ở thôn quê trình độ còn hạn chế thì làm sao mà phân biệt nón thật nón giả ra sao? có đội nón mà kêu ký vào biên bản không đội nón thì người dân lãnh đủ mà thôi”.

Nhìn nhận chuyện xử phạt, bạn đọc Thế Sự, chia sẻ: Lẽ ra khi phát hiện người dân đội MBH dỏm thì CSGT phải hỏi cặn kẽ họ mua ở đâu, rồi phối hợp với các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, công an kinh tế... kiểm tra, xử phạt và lần ra cơ sở sản xuất để xử lý. Đó chính là cách làm việc trách nhiệm, vì dân chứ khăng khăng xử phạt thì ích gì, mũ dỏm vẫn sản xuất, vẫn bán tràn lan.
 
 
“Lực lượng quản lý thị trường, các ban ngành đâu mà để mũ bảo hiểm kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường thế. Tiền phạt mũ dỏm này bắt dân đóng thì oan quá, trách nhiệm của các cơ quan ở đâu? Chúng tôi làm sao phân biệt được mũ nào thật mũ nào dỏm, tem nào xịn tem nào giả?” - bạn đọc Lê Mập.

 
Phạm Hồ