Bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu lúc 16h. Cơ quan chức năng chỉ đạo, mọi công tác đón bão phải xong trước 13h.
Khoảng chiều tối nay 6/11, bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh minh họa. |
Theo ông Tăng, nếu sớm là vào 15-16h, muộn có thể 19-20h hôm nay (6/11), khả năng bão đổ bộ vào đất liền. Mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão phải xong trước 13h hôm nay. Các tỉnh từ Phú Yên đến Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhiều nơi có dông; lốc xoáy khả năng sẽ xuất hiện ở các tỉnh miền Đông.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến chiều qua, khu vực giữa biển đông và quần đảo Trường Sa (Bắc vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15), có 905 tàu/11.750 người, chủ yếu của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Riêng Bình Định có 31 tàu/336 người tiếp tục xin được hỗ trợ vào trú tránh bão ở vùng biển của Malaysia, ngoài 127 tàu thuyền đã đề nghị trước đó. Ở khu vực ven bờ từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 7.410 tàu thuyền/45.635 lao động.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, với 34.000 tàu cá ở các tỉnh Nam Trung bộ cần rà soát, xem từng chiếc đi về đâu; khi neo đậu, kiên quyết đưa người lên bờ; tránh việc tàu hỏng, chìm tàu gây chết người khi ở ven bờ.
Theo Phó Thủ tướng, với các hồ chứa, cần rà soát kỹ, phân công lãnh đạo xuống tận nơi kiểm tra các phương án vận hành, phương án thông tin cảnh báo, sơ tán dân vùng hạ du.
Di dời dân xã đảo Thạnh An trước 9h ngày 6/11
Chiều ngày 5/11, làm việc với lãnh đạo các sở ngành chức năng và các quận huyện về ứng phó cơn bão số 13, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo ngành giáo dục sẽ tổ chức cho học sinh nghỉ học khi bão số 13 đổ bộ vào TP HCM, đồng thời yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa tại huyện Cần Giờ khi bão có hướng di chuyển vào TP HCM.
Ông Liêm cũng yêu cầu UBND huyện Cần Giờ triển khai ngay phương án di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn, hoàn thành trước 9h sáng nay (6/11). Ưu tiên sơ tán và phải đảm bảo an toàn đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật,… Ngoài ra, địa phương phải tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở các khu vực di dời, chăm lo cuộc sống của người dân tại nơi tạm cư...
Đến chiều ngày 5/11, đã có 67 tàu cá, tàu câu mực của ngư dân nhiều tỉnh, với khoảng 1.000 thuyền viên vào âu tàu đảo Song Tử Tây để tránh cơn bão số 13. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết.
Theo Tiền Phong