(Pháp luật) - Chiều ngày 6/11, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên xét xử tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
Sau khi xem xét những chứng cứ do VKSND Tối cao đưa ra, Hội đồng Thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị số 01 ngày 4/11/2013 của Viện trưởng VKSND Tối cao: Hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Hội đồng Thẩm phán cũng quyết định điều tra lại vụ án theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, ấy là : Những cán bộ của Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Tòa án nhân dân Tối cao… đã điều tra, xét xử vụ Nguyễn Thanh Chấn, đã để lọt tội phạm, làm oan người ngay tới 10 năm… thì sẽ bị xử lý ra sao?
Được biết lãnh đạo Viện KSND Tối cao đã yêu cầu kiểm sát viên Đặng Thế Vinh, ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang báo cáo lại toàn bộ quy trình thực hiện tố tụng. Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã yêu cầu cơ quan điều tra Công an Bắc Giang giao lại toàn bộ hồ sơ vụ án để Văn phòng cơ quan điều tra của Bộ Công an kiểm tra.
Chắc chắn, việc để oan sai, bỏ lọt tội phạm như vậy là trong quá trình thực hiện tố tụng có sai sót. Và ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm, kể cả đã về hưu.
Trong vụ án oan này, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc CA tỉnh Bắc Giang hiện nay cũng không thể không có trách nhiệm. Bởi lẽ, vào thời điểm vụ án xảy ra, ông Minh là Phó Giám đốc Chỉ huy cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.
Một vụ trọng án xảy ra, Thủ trưởng cơ quan điều tra là người chỉ đạo việc điều tra, và quyết định các biện pháp nghiệp vụ điều tra thủ phạm. Việc ký kết quả điều tra có thể do Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra được ủy quyền của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra thực hiện…
Nhưng bất luận thế nào, Thủ trưởng cơ quan điều tra, mà trong trường hợp vụ án Nguyễn Thanh Chấn này, ông Phạm Văn Minh có phần trách nhiệm. Tất nhiên, trách nhiệm đến mức nào còn tùy thuộc vào những điều đang nằm trong “ hồ sơ phụ”.
Với một vụ án, có rất nhiều loại hồ sơ. Những hồ sơ được đưa ra phục vụ cho công tác xét xử chỉ là phần chứng cứ , kết quả điều tra của vụ án.
Nhưng các hồ sơ phụ, gồm kế hoạch điều tra, các văn bản báo cáo của điều tra viên, sự chỉ đạo của các cấp chỉ huy; kế hoạch áp dụng các biện pháp nghiệp vụ… thì sẽ chứng minh rõ nhất cho câu hỏi: Công tác điều tra có đúng pháp luật hay không? (Tất nhiên là trong trường hợp các tài liệu đó còn được lưu giữ cẩn thận).
Cũng phải nói thêm rằng, từ hơn chục năm trước, có hai đơn vị Cảnh sát điều tra tai tiếng trong việc dùng nhục hình, bức cung, mớm cung đối với bị can đó là công an Tiền Giang và Bắc Giang.
Chắc chắn rằng vụ án oan này sẽ là bài học đắt giá cho những người làm công tác điều tra, xét xử vụ án và cũng là cảnh tỉnh cho những người hôm nay.
(Petrotimes)