Vụ 14 ngư dân Quãng Ngãi mất tích hơn 20 ngày !
VNE - 7/11/2013 -- Hơn 3 tuần từ Trường Sa vào đất liền trú bão, 14 ngư dân trên tàu cá vẫn biệt tích. Những người vợ, người mẹ ở các làng chài ngày ngày khóc than, mỏi mòn ngóng chờ họ trở về.
Sáng 7/11, tại làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về chuyện 14 ngư dân đi trên tàu của ông Trần Tiến Dũng biệt tung tích đã hơn 3 tuần qua. Trong số các ngư dân xuất bến vào ngày 5/9 từ cảng Sa Kỳ đi hành nghề lặn ở quần đảo Trường Sa, có 9 ngư dân ở xã Bình Châu, 5 người còn lại ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Bà Mai (vợ thuyền trưởng Dũng) thẫn thờ mong ngóng chồng và hai con trai hiện mất tích. Ảnh: Trí Tín.
|
Ngồi thẫn thờ nơi góc nhà, bà Lê Thị Mai, vợ thuyền trưởng Dũng cho biết, hơn 20 năm "đi bạn" (làm thuê cho các chủ tàu cá), chồng bà mới có thể tích góp, vay mượn để đóng được con tàu công suất lớn trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Vừa mới ra khơi Trường Sa chuyến đầu tiên, trên đường trở về đất liền tránh bão thì cả ông và thuyền mất tích cho đến nay.
Bà Mai kể, lúc 7h ngày 13/10, ông Dũng điện về thông báo khu vực tàu cá đang có sóng to, gió lớn. Ông còn bảo sau 37 ngày đánh bắt, khoang tàu đã đầy ắp thủy sản và đang trên đường về quê. Khoảng 2 tiếng sau, bà thấy rất sốt ruột nên gọi cho chồng thì không thể liên lạc được. Ngoài chồng, trên con tàu ấy còn có hai con trai của bà là Trần Văn Tiến (23 tuổi) và Trần văn Liên (20 tuổi).
"Lúc đầu tôi tự trấn an, cho rằng có thể chồng con cùng các ngư dân đã tìm nơi nào đó tránh bão vài ngày rồi trở về. Nhưng sau hơn 20 ngày mỏi mòn chờ đợi, giờ tôi đã tuyệt vọng. Tôi mới gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng giúp đỡ tìm kiếm mọi người", bà Mai mếu máo nói.
Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc (cha mẹ của ngư dân Lệ) bật khóc khi nhắc đến con trai. Ảnh: Trí Tín.
|
Tại gia đình ông Phạm Ngọc ở thôn Phú Qúy, xã Bình Châu, khi vừa nhắc tới anh Lệ, vợ chồng người đàn ông 57 tuổi này bật khóc. Ông kể, gia đình ông có hai con trai. Người con lớn trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa thì gặp nạn, bị teo cơ nên giờ phải đi bằng nạng. Còn anh Lệ thì giờ biệt tăm tin tức sau hơn 2 tháng ra khơi.
"Thấy anh em ngư dân đánh bắt xa bờ trở về nghỉ mùa biển động từ nhiều tuần trước mà ruột gan vợ chồng tôi như có lửa đốt. Trước chuyến biển này, hai vợ chồng hứa sau khi nó trở về sẽ đi hỏi vợ cho nó. Vậy mà giờ không biết nó sống chết ra sao", ông Ngọc lại nấc nghẹn.
Cùng tâm trạng lo âu, đau khổ, những gia đình có người thân đi trên con tàu mất tích những ngày qua đã khô nước mắt. Phập phồng trước số phận mong manh của chồng, chị Bùi Thị Vĩnh ở thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu cho biết, tích góp hàng năm trời, vợ chồng chị mới xây được căn nhà cấp 4.
"Trước khi ra khơi, chồng tôi bảo cố gắng làm, sau chuyến biển này sẽ gom góp trả hết nợ tiền làm nhà. Cầu trời phù hộ cho anh cùng các ngư dân thoát nạn trở về, chứ lỡ có bề gì tôi và 3 con nhỏ không biết sẽ sống ra sao", chị Vĩnh nói, đôi mắt đỏ hoe.
Chị Vĩnh thắc thỏm lo âu cho số phận mong manh của chồng là ngư dân Võ Văn Sơn giữa biển khơi. Ảnh: Trí Tín.
|
Sau khi nhận được đơn cầu cứu từ các gia đình ngư dân, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi Phan Văn Ơn cho biết đã gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng... yêu cầu các đơn vị liên quan phát thông tin hàng hải tìm kiếm cứu nạn 14 ngư dân mất tích.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, cơ quan chức năng đã kiến nghị Bộ Ngoại giao liên hệ với Lãnh sự quán các nước trong khu vực giúp đỡ thông tin cũng như tìm kiếm số ngư dân mất tích.
"Nhiều khả năng tàu cá ông Dũng đã gặp nạn trên biển trong lúc từ vùng biển Trường Sa trở về quê tránh bão số 11. Tuy nhiên chúng tôi đang phối hợp các cơ quan Trung ương để rà soát, nỗ lực tìm kiếm các ngư dân để thông tin về thân nhân của họ trong thời gian sớm nhất", đại tá Phú nói.
Trí Tín