THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2013

Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát ? !



16/11/2013 07:40 (GMT + 7)
TT - Quyết định tất cả dự án thủy điện phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ là một động thái hợp lý. Trước đây, quyết định loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện trong cả nước là quyết định tôi cho là có trách nhiệm.

Ảnh: V.D.
Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn.
Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi. Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông...
Vừa rồi xảy ra việc thủy điện chỉ có ôtô đâm vào mà đã nứt vỡ, chứng tỏ thiết kế và thi công rất kém. Cũng may là đã được phát hiện kịp thời, chứ nếu không có thể sẽ là một quả bom nước. Rõ ràng tính rủi ro rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện. Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó.
Tôi xem việc chúng ta dừng các dự án thủy điện vừa qua, cả thủy điện Đồng Nai 6, 6A, là thành công của các nhà bảo vệ môi trường và các nhà khoa học. Qua việc này tôi thấy những tiếng nói phản biện đôi khi lẻ loi, đôi khi không hợp với trào lưu, đôi khi quá sớm nhưng nó luôn luôn có ý nghĩa. Nếu như các nhà hoạt động môi trường đấu tranh bền bỉ trên cơ sở chứng cứ lập luận khoa học vững chắc thì chắc chắn sẽ thay đổi, tác động được đến cấp quản lý cao nhất.
Khi tôi phát biểu trước Quốc hội yêu cầu xem xét lại thủy điện thì nhiều người không đồng tình ngay vì họ nghĩ đây là ngành năng lượng sạch, xanh đem lại rất nhiều tiền. Nhưng sau đó nhiều người khác đã lên tiếng với những lập luận vững chắc đã dẫn tới thay đổi. Không chỉ một hai dự án mà hàng trăm dự án thủy điện đã dừng lại và ta đã cứu được hàng ngàn hecta rừng.
Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy.
NGUYỄN ĐÌNH XUÂN 
(Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tây Ninh, nguyên đại biểu Quốc hội)
NGỌC HẬU ghi