SỐNG MỚI-06/12/2013 -Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) - thay thế cho Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra trong bối cảnh nước ta vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tại đây, các nhà tài trợ vẫn cam kết về cơ bản không giảm mức đầu tư cho Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc nợ nước ngoài vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ công của Chính phủ.
Khi một nước đã thoát nghèo, thì các tổ chức quốc tế sẽ giảm mức hỗ trợ ODA để dành nguồn tiền này cho các quốc gia nghèo hơn. Tuy nhiên, tại diễn đàn, các nhà tài trợ vẫn cam kết về cơ bản không giảm mức đầu tư cho Việt Nam trong năm 2014 và con số đó không thấp hơn của năm 2013 với lý do Việt Nam được đánh giá cao nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này! Nhận định này trái ngược với quyết định của chính phủ Đan Mạch khi dừng 3 dự án viện trợ cho Việt Nam vì tham nhũng.
ODA không phải là “của trời cho”, chỉ đơn giản là nguồn vốn có lãi suất thấp hơn, với thời gian ân hạn dài hơn, tức là ODA thực chất là một dạng nợ nước ngoài của Chính phủ. Tuy nhiên, ngay chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, tâm lý coi ODA như là “cho không” rất phố biến trong quan chức địa phương, dẫn đến tình trạng tiêu tiền đi vay như tiền chùa, rồi sinh ra thói ỷ lại, không muốn thoát nghèo để hưởng ưu đãi. Hiện nay, theo tính toán của tạp chí Economist, nợ công của Việt Nam đã vào khoảng 77,7 tỷ USD, với dân số trên 90 triệu người, trung bình mỗi người Việt Nam đang phải gánh 862,63 USD nợ. Con số này có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nữa, khi vay với tư cách nước nghèo nhưng lại phải trả ở tư thế của một nước… thoát nghèo, nghĩa là phải chịu lãi suất cao hơn. Cụ thể, Nhật Bản, EU đều tuyên bố sẽ tăng hỗ trợ với cảnh báo, vốn vay sẽ có lãi suất cao. Và nợ dồn sẽ thành gánh nặng khổng lồ chuyền lên vai các thế hệ sau.
Tất nhiên, nếu nguồn vốn ODA được tận dụng, quản lý tốt, mức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bù đắp được phần lớn chi phí đi vay, song ở Việt Nam, những câu chuyện như ở Háng Đồng lại không phải là hiếm hoi. Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - khẳng định, Việt Nam cần phải cải thiện độ tin cậy tín dụng, tương tự như đại diện Chính phủ Anh kêu gọi Việt Nam “cần minh bạch hơn trong các nguồn lực phát triển và có kế hoạch cụ thể, mạnh hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.”
Cũng theo báo cáo tại Diễn đàn, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý 30.000-35.000 tỷ đồng nợ xấu và đặt mục tiêu năm 2014 xử lý 100.000 -150.000 tỷ đồng nợ xấu. Các công ty kiểu như thế này vốn được xem là xúc tác cho quá trình lành mạnh hóa khối ngân hàng, song đôi lúc, nếu buông lỏng quản lý trong khi thị trường khủng hoảng, công ty quản lý tài sản cũng rất dễ bị biến tướng thành nơi cất giấu các con số nợ xấu. |
Chưa biết những dòng vốn ODA sắp tới sẽ đi về đâu, nhưng một điều có thể nhận thấy rõ là GDP 2013 đạt 176 tỷ USD đang được dùng như một dẫn chứng về sự thịnh vượng. Trong khi đó, con số GDP này đã bao gồm cả yếu tố lạm phát trong tiền tệ. Điều đó cũng có nghĩa là với thu nhập bình quân đầu người gần 2.000 USD mới được công bố, số hàng hóa, dịch vụ mà một người có thể mua chưa chắc đã tăng hơn trước, hoặc chỉ tăng ít. Nhưng ít người để tâm đến điều này, bởi ngộ nhận chung là khi số tiền trong túi tăng lên thì con người ta cũng giàu có lên, song thực tế, lượng hàng hóa, dịch vụ mà một người có thể mua được mới chính là thước đo chính xác nhất sự giàu có của người đó. Chưa kể, một phần GDP đã bị thất thoát, vì nợ nần hoặc tham nhũng, lãng phí.
Không chỉ vậy, thu nhập bình quân đầu người dựa trên GDP còn bao hàm cả hàng hóa dịch vụ, thu nhập của người nước ngoài đang sống ở Việt Nam. Tỷ trọng người nước ngoài chiếm bao nhiêu phần trong con số GDP thì không ai rõ, nhưng chỉ cần nhìn vào hiện tượng doanh nghiệp nội thì nhập siêu khủng hàng tỷ USD, trong khi doanh nghiệp FDI ở thế ngược lại (tức là xuất siêu lớn) đã đủ thấy người Việt Nam chưa hẳn đã giàu, hay nói cách khác con số 2.000 USD/người chỉ cho thấy viễn ảnh thu nhập lý tưởng của những người đang sinh sống, làm việc, kiếm tiền trên lãnh thổ của Việt Nam mà thôi.
Bộ Công thương cho biết lương trung bình năm 2011 của 17 tổng công ty, tập đoàn, công ty trực thuộc, đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 22,3 lần so với thu nhập người dân trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 300.000 đồng/tháng, dưới chuẩn nghèo - theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) và Oxfam). |
Lục Dương