07/12/2013 03:55 (GMT + 7)
TT - Qua kiểm nghiệm măng có chứa axit oxalic, cơ quan chức năng đã niêm phong gần 100 tấn măng muối của một cơ sở tại Tây Ninh. Tuy nhiên, mẫu măng tươi được đưa đi kiểm nghiệm cho thấy có chứa axit oxalic gấp nhiều lần măng muối.
Từ tháng 9-2013 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) khốn đốn bởi tin đồn bỏ hóa chất bảo quản độc hại vào măng muối khi cơ quan chức năng công khai thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng. Gia đình ông phải tự chứng minh bằng cách tự lấy mẫu kiểm nghiệm và khiếu nại khắp nơi...
Hàng trăm tấn măng muối bị niêm phong
Nhiều sản phẩm nông nghiệp chứa axit oxalic
Ông Tạ Văn Đáo, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng có chứa axit oxalic, chẳng hạn như cà chua. Tuy nhiên mức độ như thế nào và khuyến cáo người dùng hay không thì chưa có.
|
Gia đình ông Lâm sản xuất măng muối truyền thống, cung cấp mỗi ngày vài trăm ký cho một số chợ ở thị xã Tây Ninh. Ngày 24-9, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tây Ninh do Phòng Cảnh sát môi trường (PC 49) chủ trì đã đến cơ sở của ông Lâm kiểm tra và lấy mẫu măng để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) cho thấy: nước ngâm măng có hàm lượng axit oxalic là 45,5mg/kg, măng tre ngâm muối 61,4 mg/kg, măng le muối 680mg/kg.
Đến ngày 16-10, PC49 cùng các cơ quan chức năng lấy sáu mẫu măng muối và một mẫu muối hạt đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả giám định lần hai cũng cho thấy cả sáu mẫu măng đều chứa axit oxalic từ 59,9-710 mg/kg; nước ngâm măng le có axit oxalic dao động từ 63,6-570mg/kg. Riêng mẫu muối hạt không có axit oxalic. Từ lời khai của ông Lâm, ngày 17-10 cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra cơ sở của bà Võ Thị Liễu tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh). Đây là cơ sở thu mua măng từ người dân vùng biên giới huyện Tân Châu, sau đó luộc bán lại cho ông Lâm. Đoàn lấy ba mẫu măng luộc đưa đi kiểm nghiệm, kết quả hầu hết các mẫu đều chứa axit oxalic.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Lâm khẳng định không sử dụng hóa chất để muối măng mà chỉ ngâm măng bằng muối ăn để tẩy độc. Ngay cả trong biên bản, đoàn kiểm tra liên ngành cũng chỉ tịch thu măng và muối chứ không có bất kỳ hóa chất nào tại hiện trường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng axit oxalic là loại chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, do đó đề xuất xử phạt ông Lâm, bà Liễu 30-50 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số măng và đình chỉ hoạt động.
Axit oxalic có sẵn trong măng
Bức xúc vì bị tiếng oan, gia đình ông Lâm đã đem năm mẫu măng tươi tự nhiên (măng vừa hái, chưa qua ngâm muối) đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM). Kết quả lượng axit trong măng tươi gấp đôi trong măng đã muối. Từ kết quả này, gia đình ông Lâm đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, trong đó khẳng định việc luộc, muối măng có thể làm giảm chất độc sẵn có trong măng chứ không phải bỏ thêm hóa chất vào măng. Hơn nữa, Bộ Y tế chưa hề cấm sử dụng măng để làm thức ăn nên không thể bắt ông tiêu hủy măng.
Ngày 18-11, sau khi ông Lâm gửi các kết quả đi khiếu nại cho rằng măng tươi tự thân đã có sẵn axit oxalic, đoàn kiểm tra liên ngành mới lấy mẫu măng tươi đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: măng le chứa 856mg/kg, măng tre 1.734mg/kg, gấp nhiều lần trong măng muối của ông Lâm. Từ kết quả này, đoàn kiểm tra liên ngành mới chịu tháo niêm phong măng muối để ông Lâm tiếp tục bảo quản. “Ngày 29-11, cơ quan chức năng đã tháo niêm phong để tôi châm nước bảo quản, nhưng đã có hơn 2 tấn măng muối bị hư thối rồi” - ông Lâm rầu rĩ.
Trong khi đó, ông Lâm cho biết gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn vì không còn nguồn thu nhập nào khác. Toàn bộ số tiền ông dùng mua 100 tấn măng và 15 tấn muối hột trị giá hơn 1 tỉ đồng là tiền thế chấp đất đai nhà cửa vay vốn ngân hàng, chưa kể vay nợ anh em họ hàng. “Cơ quan chức năng bảo tôi tự bảo quản măng mà không cho bán trong khi thông báo nếu măng hư thối tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng nói khoảng một tháng sau mới trả lời kết quả nên tôi đâu dám đem đi bán” - ông Lâm dở khóc dở cười.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Chương - phó chánh văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan liên ngành phải kiểm nghiệm một cách khoa học bằng cách tự lấy mẫu măng tươi, thậm chí tự muối măng đi giám định để làm căn cứ xem xét. “Nếu các ngành chức năng chứng minh được axit oxalic do con người bỏ vào thì phải xử lý, ngược lại phải có hướng giải quyết cụ thể và báo cáo UBND tỉnh”.
NGỌC HẬU
Chỉ xử lý vi phạm môi trường?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Hồng Sinh - phó giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh - cho biết: “Chúng tôi đã gỡ bỏ niêm phong để ông Lâm bảo quản măng. Tuy nhiên, ông Lâm đã vi phạm về môi trường nên tôi phải chỉ đạo xử lý”. Về chuyện măng hư thối, ông Sinh cho rằng “người dân phải tự bảo quản măng sau niêm phong”! Theo ông Sinh, mặc dù niêm phong nhưng khi người dân xin tháo niêm phong ra để xử lý châm nước muối thì cơ quan công an vẫn cho phép. Trả lời câu hỏi vì sao chưa cho phép ông Lâm bán số măng này sau khi xác định không có chuyện ngâm hóa chất, ông Sinh cho rằng: “Bán hay không là việc của người dân, công an đang tiếp tục xử lý các bước tiếp theo xung quanh vi phạm về môi trường mà thôi”.
|