SỐNG MỚI- 06/12/2013 -Khả năng thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi tình trạng thiếu điện- vốn được coi là nguồn “nhiên liệu” chính của nền kinh tế hiện đại.
Theo Bloomberg, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện trầm trọng trong thời gian tới khi tuần trước Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) thông báo cuộc đàm phán với tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Mỹ Chevron Corp để khai thác một mỏ khí đốt tự nhiên đã thất bại do những tranh chấp về giá cả. Tháng trước, công ty tư vấn IHS Energy cho biết nhiều khả năng nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước sẽ vượt quá nguồn cung vào năm 2015.
“Chính những thủ tục và phong cách làm việc rườm rà của Việt Nam đã làm chậm lại toàn bộ quá trình phát triển những dự án điện năng mới”, Graham Tyler, chuyên gia về điện năng và khí đốt khu vực Đông Nam Á của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nhận định.
Đánh giá về sự thất bại trong cuộc đàm phán với tập đoàn Chevron của PetroVietnam, Bloomberg cho rằng nó không chỉ làm trì hoãn nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy phát điện mà còn là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch tăng thị phần của khí đốt trong thị trường năng lượng Việt Nam. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2005 khí đốt chiếm khoảng 38% và dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2015 theo kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, dự báo mới đây của WB cho thấy tỷ lệ này có thể tụt xuống nhanh chóng còn 15% vào năm 2020. Điều đáng nói là trong khi Việt Nam có trữ lượng khí đốt tự nhiên ước tính cao gấp đôi so với Thái Lan nhưng chỉ sản xuất được ít hơn 1/4 so với quốc gia Đông Nam Á này. Thậm chí, sản lượng khí đốt của Việt Nam còn thua cả Myanmar- quốc gia có trữ lượng khí đốt chưa bằng một nửa so với Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trong khi lại quá tập trung vào các chiến lược “tăng giá”.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, bất chấp việc chính phủ Việt Nam liên tiếp tăng giá điện để thu hút đầu tư vào các nhà máy điện, biện pháp này thực tế vẫn không thể ngăn chặn nguy cơ thiếu điện trầm trọng tại khu vực miền Nam. Đặc biệt là tại TP.HCM- nơi thu hút hơn một nửa số công ty lớn nhất đang hoạt động ở Việt Nam và rất nhiều ngành công nghiệp khác với nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Nếu nhu cầu sử dụng điện vượt quá khả năng cung cấp, tình trạng cắt điện thường xuyên sẽ xảy ra tạo thành rào cản cho các công ty sản xuất nước ngoài muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa việc tăng giá điện liên tiếp cũng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh. Tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ký phê duyệt mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa vào năm 2015 là 1.835 đồng/kWh.
“Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp và sản xuất của miền Nam. Nếu bài toán nguồn cung điện năng không sớm được giải quyết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực”, đại diện của WB nhấn mạnh.
Vân Du