VIỆT NAM (NV) - Một phúc trình mới nhất của đại diện thường trú Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF, tại Hà Nội cho biết, “rất khó xác định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.”
Báo Tiền Phong dẫn phúc trình của vị đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra, khuyến cáo nhà cầm quyền nên công khai tài chính một cách trung thực về tình hình hoạt động của các công ty quốc doanh.
Một trong những công ty sở hữu nhà nước đang lỗ nặng. (Hình: thitruongtaichinh.vn) |
Ông Sanjay Kalra cho rằng, chỉ khi nào cầm được trong tay phúc trình đáng tin cậy thì may ra các tổ chức tài chính quốc tế, như IMF chẳng hạn, mới có thể xác định tình trạng hoạt động và nợ nần của các công ty thuộc khu vực quốc doanh tại Việt Nam. IMF cũng cho rằng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên quyết liệt cổ phần hóa các đơn vị lỗ lã, và mở rộng hoạt động của khu vực tư nhân với hy vọng có thể cải thiện bộ mặt nền kinh tế.
Ðồng thời với việc công bố một phúc trình của IMF về hiệu quả hoạt động của khu vực quốc doanh Việt Nam, đại diện chính phủ Anh khuyên nhà cầm quyền Việt Nam nên cắt, giảm trợ cấp một số ngành hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; nới rộng lĩnh vực hợp tác công-tư, thay vì tiếp tục để nhà nước độc quyền.
Trong khi đó, đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội lại bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng tiến độ thực hiện một số dự án ODA ở Việt Nam đã bị chậm lại trong thời gian gần đây.
Còn theo báo Giao Thông-Vận Tải Việt Nam, hoạt động yếu kém dẫn đến lỗ lã trầm trọng của các công ty quốc doanh khiến nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đe dọa nền kinh tế.
Ðể cứu gỡ nguy cơ có thể dẫn đến sự sụp đổ hệ thống ngân hàng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thành lập tổ chức VAMC để mua lại “nợ xấu” của các ngân hàng. Chỉ riêng tại ba ngân hàng thương mại SHB, SCB và PGBank, số nợ tín dụng không đòi được đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tổ chức VAMC dự tính sẽ mua lại số “nợ xấu” của 10 ngân hàng, lên tới 10,000 tỉ đồng, tương đương 500 triệu đô trong thời gian tới.
Thế nhưng, theo một số chuyên viên kinh tế, VAMC cam kết giúp các tổ chức tín dụng tại Việt Nam “tái cơ cấu,” làm sạch nợ là việc không tưởng. Các chuyên viên này nói rằng thật ra, động thái của VAMC chỉ mới là việc “chuyển giao nợ trong thời gian nhất định, từ các ngân hàng sang VAMC.” Ðiều này, theo các chuyên viên kinh tế, có nghĩa là sau 5 năm mà VAMC không giải quyết được tình trạng nợ nần “tự ôm lấy,” thì VAMC có thể “trả lại món nợ xấu đã mua.” Một nhà lãnh đạo ngân hàng thương mại thú nhận rằng “bán nợ xấu thì dễ nhưng để nợ xấu biến mất là điều không dễ dàng.”
Một tài liệu của Bộ Tài Chính công bố cho thấy số nợ của các công ty sở hữu nhà nước riêng trong năm 2010 lên tới trên 4.6 triệu đô, chiếm 14.3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam. Món nợ của 81 trên 90 doanh nghiệp nhà nước thuộc loại lớn đến cuối năm 2009 đã lên đến mức báo động đỏ: chiếm 54.2% tổng sản phẩm quốc nội, tức khoảng 900 tỉ đồng, tương đương 45 triệu đô.
Một phúc trình của nhóm chuyên viên nghiên cứu về tài chính tại Việt Nam nói rằng nợ của khu vực doanh nghiệp sở hữu nhà nước tại Việt Nam quá lớn, cuối cùng thì gánh nặng này thuộc về ngân sách nhà nước mà thôi.
Chính vì những lý do trên, IMF chính thức khuyến cáo nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên xiết hoạt động của khu vực nhà nước, “cởi trói” cho khu vực tư nhân để may ra có thể làm thay đổi gánh nặng nợ nần.