“Các tỉnh miền núi KTXH khó khăn, người nghèo tham gia BHYT thường ít đến bệnh viện thì kết dư BHYT lớn, còn ở thành phố thì luôn bội chi quỹ BHYT. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT đang “góp tiền” bù đắp chi phí khám chữa bệnh cho người giàu hơn. Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận…”.
Vẫn còn 33,2% người dân chưa tham gia BHYT
Đó là khẳng định của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) trong phiên Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012, diễn ra ngày 8.11.
Kết dư BHYT gần 13.000 tỉ đồng và nỗi bức xúc của dân
Kết dư BHYT gần 13.000 tỉ đồng và nỗi bức xúc của dân
Theo ĐBQH Huỳnh Nghĩa, sau gần hai thập kỷ thực hiện chính sách BHYT, đến năm 2012 Quỹ BHYT đã kết dư gần 13.000 tỉ đồng. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, thì việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.
Nổi lên là tình trạng quá tải bệnh viện (2-3 người bệnh phải nằm chung một giường). Việc công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế chưa được thực hiện. Quyền lợi của người tham gia BHYT còn hạn chế. Y đức xuống cấp trầm trọng. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh (KCB) theo BHYT phiền hà dẫn đến sách nhiễu… “Đó là những thực tế đang trực tiếp đe dọa, phá vỡ tính nhân văn trong chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước ta”- ông Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.
Về phần kết dư BHYT gần 13.000 tỉ đồng, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết: Theo Nghị định 62 của Chính phủ, 60% kinh phí kết dư hàng năm được sử dụng để đầu tư mua sắm trang thiết bị KCB, đào tạo nghiệp vụ cho CB y tế phục vụ KCB các địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay các địa phương vẫn không nhận được khoản kết dư này.
“Tại các tỉnh miền núi, KTXH khó khăn, dân cư phân tán, đường sá xa xôi, xa bệnh viện, đi lại khó khăn nên người dân dù có bệnh vẫn ít đến bệnh viện. Vì vậy, Quỹ BHYT thường kết dư lớn. Ở thành phố thì ngược lại, luôn bội chi BHYT. Điều đó có nghĩa: Người nghèo tham gia BHYT đang “góp tiền” bù đắp chi phí KCB cho người giàu hơn. Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận”- ông Huỳnh Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đề nghị số kết dư BHYT phải được đầu tư trở lại cho các địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, mua sắm trang thiết bị, đào tạo CB y tế… Có như vậy người dân vùng miền núi và vùng đô thị mới được hưởng lợi một cách công bằng khi tham gia BHYT.
Cách nào thu hút người dân tham gia BHYT?
Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH – kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012, cho thấy: Tỉ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (năm 2009) lên 66,8% (năm 2012). Như vậy, sau 3 năm có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/năm. Kết quả đó giúp cho nhiều người dân không bị rơi vào bẫy nghèo đói khi bị ốm đau, bệnh tật.
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn khi vẫn còn 18 tỉnh có tỉ lệ tham gia BHYT dưới 60%; 4 tỉnh dưới 50%. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu, thái độ phục vụ và y đức của cán bộ y tế chưa được cải thiện. Các hình thức lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện. Vẫn còn tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, và tình trạng không công bằng về chi trả BHYT cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng…
Theo ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Cạn), việc cấp trùng thẻ BHYT hay một người có nhiều thẻ BHYT vẫn xảy ra. Các đối tượng được NSNN hỗ trợ mua BHYT nhưng do Luật BHYT giao cho nhiều bộ, ngành, nhiều cấp khác nhau lập danh sách, nên thực tế 1 người có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng, dẫn đến cấp trùng nhau. Trong khi đó chưa có hệ thống phần mềm quản lý BHYT của cả BHXH Việt Nam và các bệnh viện kết nối, liên thông được với nhau, nên chưa kiểm soát được việc cấp trùng thẻ BHYT.
ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng chung ý kiến khi cho rằng, hiện nay, chính sách bảo hiểm y tế chưa đủ sức hút để người dân tự nguyện tham gia. Nguyên nhân chính là do chất lượng y tế còn hạn chế. Ngoài ra còn nạn “phong bì”, sự phiền hà trong thủ tục, sự lạm dụng, trục lợi trong BHYT…
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, các đại biểu đề nghị luật cần bổ sung chất lượng về dịch vụ bảo hiểm y tế. Đồng thời cũng phải thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế và KCB theo BHYT. Các đại biểu cũng đề nghị cần có những quy định và chế tài để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT.
Quang Chính
Theo Báo Lao Động