SỐNG MỚI - 09/11/2013 -- Cơn bão Haiyan được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử dự kiến sẽ tràn vào Việt Nam từ sáng 10/11 trên dải ven biển từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế với sức tàn phá hết sức nặng nề. Thủ tướng đã yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, tập trung chống bão, nhằm giảm thấp nhất các thiệt hại về người và của. Hàng trăm nghìn dân đã được yêu cầu di dời.
Sóng lớn khi bão Haiyan đổ bộ thành phố Legaspi, tỉnh Albay phía nam Manila ngày 8/11. Bão sẽ đi vào miền Trung nước ta khoảng 4 giờ ngày 10/11. ẢNH: AFP
Ngay khi mới hình thành, cơn bão Haiyan đã được đánh giá là vô cùng nguy hiểm với mức gió giật đạt đỉnh tối đa. Hôm 8/11, Haiyan đã càn quét miền Trung Phillipines và như một con quái vật hung giữ san bằng mọi chướng vật mà nó gặp phải. Gió giật với vận tốc 380km/h đã khiến cây cối bật gốc văng xa, nhà cửa bị phá hủy, mái nhà bay lượn như lá trong gió và nước lũ dâng lên khiến các con phố đều thành sông cuộn sóng. Nhiều người đã bỏ mạng, nhiều công trình kiên cố bị hủy hoại. Là một quốc gia được coi như là nơi hứng bão của châu Á, song Phillipines cũng hiếm khi phải chịu cơn cuồng phong bão tố nào có sức tàn phá đến như vậy. Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thì có 3 cơn bão đã ghi dấu ấn lịch sử khi có sức gió gần bằng với Haiyan là Camille năm 1969, Siêu bão Tip năm 1979, và cơn bão Allen vào năm 1980. Đại Tây Dương chưa từng có cơn bão đọ được với Haiyan.
Sau khi quấy đảo Phillipines, Haiyan đã tiến vào Biển Đông, cả một vùng biển động dữ dội, với những cột sóng cao 7-8m liên tục dâng trào. Dù đã vung sức ở Philippines song cơn bão này vẫn giữ nguyên sự nguy hiểm khi vẫn có gió ở cấp 16 với sức giật cấp 17 và di chuyển rất nhanh. Dự báo từ 4h sáng đến 10 h sáng ngày 10/11, tâm bão tiếp cận đất liền sớm nhất từ tỉnh Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế và sau đó đổi hướng lên phía Bắc từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình với sức tàn phá hết sức nặng nề.
Với những cơn bão có sức gió như Haiyan thì sức tàn phá là vô cùng khủng khiếp. Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ rất cao bị thương hoặc tử vong do bị vật vỡ rơi hoặc bay xuống. Những nhà cấp 4 hoặc nhà khung có thể bị phá hủy hoàn toàn, bất kể xây dựng mới hay cũ, xấu tốt như thế nào. Các công trình có khung nhà sắt, khung bê tông của các nhà máy, công xưởng sẽ bị phá hủy với toàn bộ mái và tường sụp đổ. Số lượng lớn các mảnh vỡ bay đi do bị gió thổi cũng sẽ rất nguy hiểm bởi có tốc độ như tên bắn. Vậy nhưng Việt Nam chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm với một cơn bão có sức hủy diệt như thế này.
Tại cuộc họp khẩn cấp chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh phòng chống siêu bão Haiyan là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng phải tập trung bằng tất cả các giải pháp năng động, sáng tạo và phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước và của người dân.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống bão. Hai phó thủ tướng là Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp đế các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan.
Cùng với cấm biển, cấm tàu thuyền ra khơi, các tỉnh, thành phố ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi an toàn.
Mọi công tác phòng chống, gia cố đê kè, các công trình chứa nước và công tác di dời dân đến nơi trú ngụ an toàn phải được thực hiện xong trước tối nay (9/11).
Lúc 4h sáng nay9/11, tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với sức gió cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17.
Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp ảnh hưởng của siêu bão Haiyan từ ngày 10/11, sẽ có mưa to đến rất to và có thể xảy ra ngập lụt.
Bão đã làm chìm nhiều tàu thuyền của ngư dân miền Trung khi chưa kịp vào nơi lánh trú. Một ngư dân đã tử vong, một ngư dân mất tích trong hai ngày 5-6/11.
T.H