THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 November 2013

Siêu bão đe dọa miền Trung

Tối 8.11, siêu bão Haiyan với cường độ mạnh cấp 16 (sức gió từ 184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17, đã tiến vào biển Đông, sau khi tàn phá khu vực miền trung Philippines.
Siêu bão đe dọa miền Trung
Bản đồ dự báo đường đi và vị trí bão sẽ đi qua - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
Chiều 8.11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão Haiyan.
Sẽ đổ bộ từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế

Hà Nội sẽ có mưa lớn, úng ngập
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp ảnh hưởng của siêu bão Haiyan, từ ngày 10 - 12, khu vực đồng bằng Bắc bộ, bao gồm cả thủ đô Hà Nội sẽ có mưa to. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội rà soát, triển khai các biện pháp phòng chống úng, ngập trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành; có biện pháp tổ chức, hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập lụt, đảm bảo hoạt động bình thường của các hoạt động kinh tế, xã hội.
Vietnam Airlines (VNA) khuyến cáo hành khách điều chỉnh lịch trình đi lại vì bão Haiyang dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới các chuyến bay của hãng tại khu vực miền Trung trong ngày 10.11.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ông Bùi Minh Tăng cho biết, bão Haiyan hình thành trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Chỉ sau hai ngày, nó đã mạnh lên từ đầu cấp 8 đến cấp 17, trở thành siêu bão có sức mạnh hủy diệt với cấp độ gió cao nhất trong bảng cấp gió quy định của Ủy ban Bão quốc tế, với phạm vi ảnh hưởng từ 500 - 600 km.
Tối 8.11, siêu bão Haiyan đi vào khu vực biển Đông. Vùng biển đặc biệt nguy hiểm được xác định là khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có sức gió đạt cấp 15 - 17, giật trên cấp 17. Bắt đầu từ trưa 9.11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có gió mạnh cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 12 - 14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 16 - 17, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội. Trong đêm 9.11, vùng biển ven bờ các tỉnh Trung bộ có gió mạnh cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 12 - 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội. Ở khu vực vịnh Bắc bộ từ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.
Ông Bùi Minh Tăng cho biết dự báo vùng tâm bão tiếp cận đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế sớm là khoảng 4 giờ, muộn thì 10 giờ ngày 10.11. Sau đó, bão sẽ đổi lên hướng bắc quét qua các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Bình và có khả năng tiếp tục đi dọc các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An.
Theo dự báo, khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và các đảo ven bờ như Cồn Cỏ, Hòn Ngư, Lý Sơn sẽ có gió mạnh từ cấp 12 - 15, giật cấp 16 - 17, riêng các đảo sẽ có sóng đánh sâu vào bờ. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa dù không nằm trong vùng tâm bão nhưng sẽ có gió mạnh từ cấp 8 - 12.
Ông Bùi Minh Tăng lưu ý, các tỉnh ven biển và các đảo từ tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4 - 6 m, sóng biển cao từ 5 - 8 m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao đến 10 m.
Bắt đầu từ chiều 9.11, siêu bão gây mưa to đến rất to dọc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Khánh Hòa sau đó lan ra bắc Tây nguyên và khu vực phía bắc. Dự báo tổng lượng mưa các khu vực phổ biến từ 200 - 500 mm, một số nơi có khả năng mưa đến 600 mm.
Cũng theo ông Tăng, nhiều khả năng đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử vào biển Đông và đổ bộ vào nước ta. Siêu bão có sức tàn phá hủy diệt nên công tác chuẩn bị phòng chống bão phải hoàn thành trước tối ngày 9.11.
Dừng họp, dồn sức chống bão

Đề nghị các nước hỗ trợ tàu, thuyền Việt Nam tránh bão
Ngày 8.11, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Philippines đề nghị hỗ trợ các tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão trong trường hợp không kịp về bờ. Bộ Ngoại giao cũng cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cơn bão đồng thời khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam.
Nguyên Phong
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hiện còn rất nhiều tàu thuyền và ngư dân các tỉnh miền Trung đang còn ở các vùng biển nguy hiểm. Các địa phương phải chịu trách nhiệm rà soát liên lạc đến từng phương tiện, hướng dẫn di chuyển về bờ hoặc nhanh chóng di chuyển tránh xa vùng biển nguy hiểm. Ở các khu neo đậu, dứt khoát không để người ở lại trên tàu khi bão vào bờ. Trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, phía bắc Bình Định sơ tán toàn bộ các dân cư khu vực ven biển trước 19 giờ ngày 9.11.
Trước dự báo có mưa lớn ở khu vực miền Trung, ông Cao Đức Phát lưu ý, các hồ chứa trong khu vực tính toán phương án xả lũ đón mưa, không để xảy ra sự cố các công trình hoặc buộc phải xả lũ gây úng ngập vùng hạ du. Khu vực ven các hệ thống sông các tỉnh miền Trung, thậm chí thủ đô Hà Nội sẵn sàng phương án chống ngập úng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh từ Thanh Hóa dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị để dồn sức cao nhất, chuẩn bị các phương án chống bão bằng mọi giải pháp, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau phải thực hiện lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Bắt đầu từ ngày 9.11, các tỉnh dự kiến bão đổ bộ cho học sinh nghỉ học, cơ quan đơn vị có phương án chằng chống, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất; lực lượng công an, quân đội sẵn sàng phương án cấm đường giao thông, cứu hộ, cứu nạn…

Tàn phá Philippines  
Siêu bão đe dọa miền Trung1
Sức tàn phá khủng khiếp của bão Haiyan tại Philippines - Ảnh: Reuters 
Ít nhất 3 người chết và hơn 12 triệu người bị ảnh hưởng khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines vào sáng 8.11.
Vào lúc 4 giờ 40 phút sáng 8.11 (giờ địa phương), siêu bão Haiyan ập vào đảo Samar thuộc miền trung Philippines, với sức gió 275 km/giờ có khi lên tới 310 km/giờ. Reuters dẫn lời giới chức Philippines cho hay đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và 7 người bị thương, đồng thời cảnh báo số người chết có thể tăng cao. Đã có ít nhất 5 trận lở đất trong khi khắp nơi chìm trong hoang tàn: nhà tốc mái, cây trốc gốc, hệ thống điện và liên lạc bị cắt đứt trong khi nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Những hình ảnh từ đảo Samar cho thấy các tấm tôn lợp mái nhà bị gió thổi bay “như diều” trên trời, đường sá thì đầy mảnh vỡ sau khi một cơn sóng cao gần 5 mét ập vào bờ. “Gió mạnh đến mức san bằng tất cả cây cối quanh nhà”, sinh viên Jessa Aljibe ở Samar kinh hoàng kể với AFP. Trong khi đó, tỉnh trưởng tỉnh Nam Leyte là ông Roger Mercado nói trên Đài phát thanh DZBB: “Chúng tôi mất điện và tất cả con đường đều bị chặn lối do cây ngã. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện”.
Theo nhà khí tượng học Philippines David Michael Padua, Haiyan là cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay, còn nhà khí tượng học Mỹ Jeff Masters thậm chí đánh giá đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận, theo AP.
Giới chức Philippines cảnh báo hơn 12 triệu người ở miền trung và bắc sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có thành phố Cebu vốn vẫn chưa hồi phục sau trận động đất 7,1 độ Richer khiến 222 người thiệt mạng hồi tháng rồi.
Tính đến hôm qua, khoảng một triệu người đã được đưa đến các trạm tránh bão ở hơn 20 tỉnh của Philippines, sau khi Tổng thống Benigno Aquino III kêu gọi sơ tán khỏi các cảng biển, bờ sông và những ngôi làng quen biển. Tuy nhiên, báo The Philippine Star dẫn thông cáo từ hải quân Philippines cho hay vẫn còn hơn 3.000 người mắc kẹt tại nhiều cảng. Chính quyền đã tạm ngưng dịch vụ phà, đóng cửa 13 sân bay, hủy hơn 450 chuyến bay nội địa và quốc tế. Nhiều trường học, văn phòng cũng như các cửa hàng ngưng hoạt động. Nhân viên cấp cứu, binh sĩ cùng 20 tàu chiến và hơn 30 trực thăng, máy bay quân sự đã sẵn sàng cho công tác cứu hộ.
Hồi năm 2012, Philippines cũng đã hứng cơn bão mạnh nhất thế giới khi đó là bão Bopha, với sức gió giật 230 km/giờ, khiến 1.100 người chết và thiệt hại ước tính lên tới hơn 1 tỉ USD.
Văn Khoa

Khẩn trương đối phó
Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão khiến 24/59 hồ chứa ở khu vực miền Trung - Tây nguyên qua tràn. 15 hồ thủy điện lớn từ 5 giờ ngày 8.11 đã xả lũ, do đó mực nước các sông trong khu vực miền Trung - Tây nguyên đạt đỉnh vào trưa 8.11. Các tỉnh ven biển miền Trung đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân khi có bão, mưa lớn, lũ.
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị thi công công trình cao tầng trên địa bàn phải nghiêm túc thực hiện việc hạ cẩu tháp, neo giằng an toàn trước 24 giờ khi bão đổ bộ vào đất liền. Trưởng ban quản lý các KCN và chế xuất TP.Đà Nẵng có trách nhiệm thông báo đến các doanh nghiệp trong KCN tạm dừng hoạt động sản xuất và cho công nhân tạm nghỉ từ 13 giờ ngày 9.11; học sinh được nghỉ học từ ngày 9.11 cho đến khi hết bão. Từ 14 giờ chiều nay tất cả các chợ dừng hoạt động.
Mưa lớn trong các ngày qua đã gây ngập lụt vùng hạ lưu sông Côn và Hà Thanh thuộc địa bàn 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát (Bình Định). Sáng 8.11, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt và chia cắt nhiều khu dân cư ở các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (H.Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (H.Phù Cát). Tỉnh lộ 640 và 636 B đi qua địa bàn các xã trên bị lũ chia cắt, có nơi ngập sâu từ 0,6 - 0,8 m. Tuyến xe buýt từ Tuy Phước về Phù Cát phải ngừng hoạt động và hơn 30.000 học sinh các cấp học ở các xã này phải nghỉ học.
Liên tục trong những ngày qua, thủy điện An Khê - Kanak và hồ thủy lợi Ayun Hạ (Gia Lai) đồng loạt xã lũ khiến vùng đông nam Gia Lai ngập úng. Nước sông Ba lên nhanh đã dẫn đến lũ cục bộ ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và TX.Ayun Pa, trong đó gây ngập một vùng rộng lớn hàng ngàn héc ta. Đến chiều 8.10, lưu lượng nước trên sông Ba đã giảm, tuy nhiên vẫn còn một số vùng bị ngập cục bộ.
Do mưa lớn, sáng 8.10, đèo Tô Na thuộc QL25, đoạn qua Gia Lai, lại bị sạt lở.
Tối 8.11, tin từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết khoảng đầu giờ chiều cùng ngày đã xảy ra một vụ lật ghe tại xã Hương Toàn, TX.Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), làm 1 người chết và 1 người mất tích.
Thông tin ban đầu được biết nạn nhân là chị Trần Thị Diễm Châu (khoảng 35 tuổi, ở làng Vân Cù, xã Hương Toàn) và con gái Nguyễn Thị Ngân (khoảng 11 tuổi). Chị Châu và con chèo ghe đi bỏ bún thì ghe bị lật khiến hai mẹ con chìm trong nước lũ. Chiều cùng ngày, các lực lượng cùng người dân địa phương đã tìm thấy thi thể cháu Ngân. Đến 20 giờ, ông Nguyễn Văn Tho, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, cho biết vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Châu.
VPMT

Mức độ nguy hiểm của siêu bão
Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, ông Bùi Minh Tăng cho biết khu vực đất liền Việt Nam chưa từng đón bão đến mạnh cấp 13. Nhưng theo kinh nghiệm từ các nước từng đón siêu bão, thì bão Haiyan sẽ có sức tàn phá thảm khốc, được mô tả như sau:
Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi ở trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Gió bão có thể phá hủy gần như hoàn toàn nhà cấp 4. Một tỷ lệ lớn các nhà khung sắt, khung bê tông sẽ bị phá hủy với toàn bộ mái, tường sụp đổ, thổi bay cửa sổ, cửa ra vào. Các mảnh vỡ bay theo gió bão trong không khí có tốc độ như tên bắn, gây sát thương lớn. Các bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sụp, dẫn đến sụp đổ cả tòa nhà.
Ở các tòa nhà cao tầng, gió báo sẽ làm vỡ kính, thổi bay cửa sổ và có thể gây đổ tòa nhà; các tòa nhà công nghiệp, nhà cấp 3, cấp 4 sẽ bị phá hủy với tỷ lệ lớn. Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích sẽ bị phá hủy. Cây cối gãy đổ hoặc bật gốc. Cột điện bị đổ, mất điện sẽ kéo dài, cô lập các khu dân cư.
Phan Hậu