TP- 8/11/2013 -- Ngày 25/10, Công an H.Tuy Phước, Bình Định tạm giữ Ngô Văn Sang (30 tuổi, xã Mỹ Thành, H.Phù Mỹ, Bình Định) để điều tra làm rõ hành vi giả thanh tra Bộ GD-ĐT nhận tiền lo việc cho người khác.
Nhiều người xem chạy việc là vấn đề khá phổ biến - Ảnh: Shutterstock . |
Vụ việc này một lần nữa khẳng định thực tế tồn tại âm ỉ, nhức nhối bấy lâu nay: chạy việc vào cơ quan nhà nước!
“Phổ biến và nhạy cảm”
Rất nhiều người chúng tôi tiếp xúc đều nhìn nhận có thực trạng chạy việc. Song, hầu hết đề nghị không nêu tên vì sợ ảnh hưởng đến bản thân và liên lụy người khác.
N., công chức trẻ công tác ở văn phòng huyện ủy một huyện ngoại thành TP.HCM, quả quyết: “Nếu hỏi bất kỳ ai có tư cách, người ta sẽ khẳng định đây là một vấn đề phổ biến và cũng rất nhạy cảm. Nhưng cũng có nhiều người, trong đó có bọn mình, không dám lên tiếng vì miếng cơm manh áo”. Cô gái này ngán ngẩm kể: “Bản thân tôi luôn phải nỗ lực 100% mới mong tồn tại, trong khi có một bộ phận trong cơ quan tôi chỉ làm kiểng thôi nhưng cơ hội lên chức rất lớn. Đó là những người có “gốc rễ” gửi gắm hay do chạy chọt mà vào”.
N. cho biết thêm, thỉnh thoảng một số trưởng phòng ban tỏ thái độ chân thành nhờ cô giới thiệu ứng viên vào những vị trí đang trống, với câu thòng: “Nhớ tìm người nào vừa giỏi việc, vừa tốt tính như em, nhé!”. Sau khi cất công tuyển chọn, N. nộp hồ sơ các ứng viên tiềm năng. Thế nhưng… “Lần nào cũng vậy, họ xởi lởi với tôi: Đối tượng em tiến cử, anh/chị rất OK nhưng sếp ở trên không OK, bởi họ đã có những suất gửi khác rồi”, N. chua chát kể. Sau nhiều lần thất vọng, N. hứa với lòng mình là không bao giờ “ngây thơ” như thế nữa!
Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông Nexus, cũng nhìn nhận có thực trạng này. Ông tiết lộ: “Nhiều người bạn của tôi học ngành luật về tỉnh làm việc một thời gian rồi quay trở lại TP.HCM. Trong đó, cũng có những đứa từng chạy xin việc bằng tiền hoặc dựa vào những mối quan hệ thân thế, dù không mạnh lắm”.
Còn anh Nguyễn Trọng Hoàng (làm việc trong một cơ quan tại Q.1, TP.HCM) cho hay, anh có người em họ vừa “chạy” vào làm việc tại một ngân hàng ở Q.6 (TP.HCM) được 2 tháng nay. Anh Hoàng nói: “Tôi không biết chính xác số tiền mà gia đình phải chi hết bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là có chung chi. Vì quá trình “chạy việc” của em họ tôi để vào ngân hàng này đã diễn ra cách đây hơn 1 năm rồi, và ở thời điểm đó họ đã ra giá 300 triệu đồng”. Anh Hoàng giải thích thêm: “Trường hợp này là đã có quen biết, tức là đã có người thân đang làm trong ngân hàng đó, rành đường đi nước bước rồi mà còn vậy. Không biết người mới hoàn toàn thì… ra sao nữa!”.
Anh Hoàng cho biết một trường hợp nữa cũng là người nhà của anh, đó là người chị bà con tên L.H, tốt nghiệp ngành y tế (bậc cao đẳng) của một trường ĐH ở tỉnh Hải Dương. Thất nghiệp một thời gian sau khi ra trường, chị L.H phải “chạy” hơn 100 triệu đồng mới xin được “một chân” ở phòng y tế trường tiểu học, với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. “Những người ở quê dường như họ đã thấm nhuần tư tưởng: đi học là một chuyện, còn khi ra trường là phải có tiền mới xin được việc làm, nếu không thì chịu cảnh thất nghiệp”, anh Hoàng đúc kết.
Nhất hậu duệ, nhì quan hệ... ?
Chạy việc bằng mối quan hệ quen biết cũng là một cách phổ biến lâu nay. Thầy H., trưởng khoa một trường ĐH lớn tại TP.HCM, cho hay mỗi khi trong khoa thầy tuyển vị trí nào đó, thường có những đồng nghiệp gửi hồ sơ cho người thân của họ. Theo thầy H. khi các hồ sơ của ứng viên có vẻ ngang ngửa nhau, thầy sẽ ưu tiên cho những trường hợp quen biết trên. Nhưng phải làm sao với những hồ sơ gửi không đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng? “Trong tình huống khó xử đó, tôi tìm cách từ chối khéo. Còn nếu có thể du di thì sử dụng ở những vị trí không phải là trọng yếu”, thầy H. nói.
“Có bao giờ thầy nhận những hồ sơ “gửi ép” từ cấp trên?”, chúng tôi thắc mắc. Thầy H.: “Đã có một trường hợp “sếp” gửi và được chấp nhận. Tuy vậy, lúc bắt tay vào làm, người này nhận thấy việc dạy học không thể giàu có như họ mong muốn, nên đã tự rút lui”.
Thầy H. nhận xét: “Hiện nay, có quá nhiều người làm việc dựa trên mối quan hệ hơn là năng lực thực sự. Vì vậy, không chỉ trong tuyển dụng và cả trong thi cử, rất dễ xảy ra những chuyện tiêu cực”.
Thạc sĩ Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (thuộc Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp), chia sẻ: “Trong những lần chúng tôi đi tư vấn nghề nghiệp, sinh viên thường hỏi về câu nói: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, còn lại là mặc kệ". Phải thừa nhận, đó là một thực tế xã hội. Song chúng tôi cũng khuyên các em rằng muốn có việc làm tốt, hãy trau dồi những cái thuộc về mình như năng lực, nhân cách, đạo đức. Còn nếu chỉ lệ thuộc vào những cái bên ngoài thì rất khó phát triển bền vững. Ví như, ngày hôm nay ba mình còn làm giám đốc sở nhưng ngày mai ông có thể hết làm, lúc đó chúng ta sẽ xoay xở ra sao?”.
Theo thạc sĩ Minh Trọng, trên thực tế có nhiều sinh viên chưa ra trường nhưng đã được cha mẹ tạo sẵn những vị trí ở quê nhà. Thậm chí, nhiều khi cha mẹ không có mối quan hệ rõ ràng nhưng cũng vẽ vời quen biết ông này bà nọ, với ý định sau này “gửi gắm” việc làm. Chính những điều này vô tình tạo ra tâm lý ỷ lại và lười lao động nơi đứa con.
Đề cập đến những hệ lụy từ nạn “chạy việc”, ông Nguyễn Tử Anh cảnh báo: “Sau khi được nhận vào làm việc, người ta thường kiếm tiền bằng mọi giá để thu hồi lại những khoản mình đã chung chi. Suy nghĩ tiêu cực này dẫn đến nhiều hành động tiêu cực khác”. Ông Tử Anh cho rằng, trong môi trường như vậy, những người giỏi và có tâm thường bị triệt tiêu động lực phấn đấu. Và họ buộc chọn lựa: Hoặc phải thích nghi, hoặc chấp nhận ra đi tìm nơi khác phù hợp để cống hiến.
Ý kiến
Chẳng bao giờ tuyển được nhân viên giỏi
Một khi ở cơ quan nhà nước nào đó xảy ra tình trạng “chạy việc” thì không bao giờ có sự công bằng trong tuyển dụng và chẳng tuyển được nhân viên giỏi. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tất cả những người “chạy việc” đều yếu kém về năng lực chuyên môn, nhưng theo tôi thì phần đông là như thế. Một cơ quan, đơn vị nào đó mà tồn tại tình trạng “chạy việc” thì cơ quan ấy chẳng thể phát triển được, nếu không muốn nói là sẽ sớm lụi tàn. Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty TNHH thiết bị viễn thông Lê Nguyễn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Giỏi mà không “chạy” cũng thất nghiệp
Thời buổi này nếu không “chạy” thì không có việc làm. Ở quê mình cho dù bạn có kinh nghiệm cao, bằng cấp giỏi nhưng nếu không “chạy” thì cũng thất nghiệp thôi. Còn nếu vác đơn đi xin việc “chay” thì xác suất có việc rất thấp, hên xui may rủi thôi. Bùi Minh Đức (Sinh viên Trường ĐH FPT)
|
Những vụ điển hình
- Ngày 25/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ra quyết định kỷ luật khai trừ Đảng, đề nghị UBND tỉnh buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nguyên do, khi còn giữ chức Phó giám đốc Sở Nội vụ và sau đó công tác ở Sở Tư pháp, ông Bảo cùng vợ và một số người thân của mình tổ chức đường dây chuyên lừa chạy việc làm.
- Ngày 21/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Xuân Thiết (53 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng cách giới thiệu mình quen biết lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Thiết đã ba lần nhận tổng cộng 35.000 USD và 400 triệu đồng tiền mặt từ ông N.V.H (ngụ tại TP.Vũng Tàu) và hứa “lo việc” cho con, cháu và người quen của ông H. Sau khi nhận tiền, Thiết đã không xin được việc nào cả và dùng số tiền lừa được để trả nợ cá độ bóng đá.
- Ngày 12/4, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất cách chức Tỉnh ủy viên, cách chức Bí thư Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh đối với ông Nguyễn Thanh Sơn. Hình thức kỷ luật này đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác minh đơn tố cáo của bà Phạm Thị T. (một người làm tạp vụ) là đúng sự thực. Theo đó, khi còn là Bí thư Huyện ủy H.Vũ Quang, ông Sơn đã nhận của bà T. 75 triệu đồng để “chạy” cho bà vào biên chế. Tuy nhiên, ông Sơn không “chạy” được và cũng không trả lại số tiền trên...
Nguyễn Như
Tác giả
|
Theo Như Lịch - Lê Thanh
Thanh Niên
Thanh Niên