THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 November 2013

Một cơ hội bị bỏ lỡ - Chiến dịch OSS năm 1945

nguyen-mong-long-1-305.jpg
Ông Henry Prunier và một cảnh trong phim Một cơ hội bị bỏ lỡ.
Hình do Ông Long cung cấp
 RFA - 8/11/2013 
Năm 1945 biệt đội Con Nai gồm 7 binh sĩ Mỹ nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện lực lượng Việt Minh chống Nhật. Một nhà làm phim Việt Nam là ông Nguyễn Mộng Long thực hiện bộ phim tài liệu về người lính cuối cùng của biệt đội Con Nai là ông Henry Prunier, sống những năm cuối đời tại bang Massachusetts. Phim này mang tên Một cơ hội bị bỏ lỡ được giải Bông sen vàng về thể loại phim tài liệu tại Việt Nam hồi tháng 10/2013.

Quan hệ Việt Mỹ có thể đã tốt hơn?

Kính Hòa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mộng Long về bộ phim này, trước hết Ông cho biết:
Nguyễn Mộng Long: Câu chuyện là về ông Henry Prunier, người lính cuối cùng của đội Con Nai, đội biệt động của tổ chức OSS nhảy dù xuống Việt Bắc hồi năm 1945 cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh. Câu chuyện cũng nói đến các quan hệ của ông ấy với các thành viên Việt Minh trong giai đoạn đó, cụ thể là các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Rồi những điều kiện sống cũng như công việc của đội Con Nai ở đó trong khoảng hai tháng. Cái tên nói lên rằng cái quan hệ Việt Mỹ trong giai đoạn đó có thể là sẽ tốt hơn nếu có những điều kiện nào đó để mà không dẫn đến cuộc chiến sau này. Đó có thể là một cơ hội bị bỏ lỡ.
Kính Hòa: Các đánh giá của những nhà phê bình phim, hay cơ quan tuyên giáo đối với phim này như thế nào?
Nguyễn Mộng Long: Sau khi làm xong tôi đem phim dự liên hoan, chưa chiếu rộng rãi nên không biết họ sẽ nói như thế nào.
nguyen-mong-long-2-250.jpg
Đoàn làm phim Một cơ hội bị bỏ lỡ. Hình do Ông Nguyễn Mộng Long cung cấp.
Kính Hòa: Anh có dự định sẽ đem phim này sang Mỹ chiếu hay là chiếu tại những nơi có cộng đồng Việt Nam ở Mỹ không ạ?
Nguyễn Mộng Long: Có thể.
Kính Hòa: Ông có dự đoán là sẽ có những phản ứng nào với bộ phim hay không? Vì dường như là các quan điểm về chiến tranh Việt Nam, về Việt Nam hiện tại của cộng đồng Việt Nam hiện nay không đồng nhất.
Nguyễn Mộng Long: Tôi cũng chưa nghĩ tới điều đó. Nhưng tôi cho rằng một bộ phim về chiến tranh ở Việt Nam thì thường gây những cái phản ứng đa chiều, và điều đó là tốt. Tác phẩm của mình nhận được ý kiến dù khen dù chê thì cũng là hạnh phúc của người làm nghề.
Kính Hòa: Xin phép ông hỏi câu cuối là với tư cách một phim tài liệu thì phim này có tiết lộ điều gì mới ngoài những gì chúng ta đã biết không?
Nguyễn Mộng Long: Những thông tin mà bộ phim đưa ra thì không mới. Những gì tôi thu thập được thì không mới, nhưng có thể cách kể sẽ làm người ta chú ý hơn, chứ những thông tin này thì nhiều người ở Mỹ và Việt Nam biết.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông đã dành thì giờ cho buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Được biết ông Henry Prunier là một người thành thạo tiếng Pháp, và ông cũng đã được quân đội gửi ông đến Đại học Berkeley ở California học tiếng Việt trước khi nhảy dù xuống Việt Nam năm 1945. Ông có trở lại Việt nam năm 1995 và gặp gỡ một số cựu binh Việt Minh. Sau khi bộ phim tài liệu được quay, thì ông qua đời vào tháng tư năm 2013.