Báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình được công bố tại cuộc hội thảo quốc tế diễn ra ở Hà Nội mới đây nói rằng, sau rượu đế gây ngộ độc chết người là thuốc trừ sâu, thuốc tây, hóa chất.
Cư dân tỉnh Lâm Đồng may mắn thoát chết sau vụ ngộ độc rượu. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
|
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, chỉ trong vòng 5 năm qua, gần 200 vụ ngộ độc rượu xảy ra tại Việt Nam. Khoảng 250 "đệ tử lưu linh" được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Trong số này, 66 người chết trên giường bệnh. Nguyên nhân khiến các "đệ tử lưu linh" bị trúng độc vì uống nhằm rượu đế "dởm" chứa hàm lượng methanol cao quá mức cho phép. Nguyên nhân khác là họ đã uống phải rượu trắng ngâm cây độc, mà tưởng là rượu thuốc.
Cũng theo phúc trình trên, Sài Gòn và tỉnh Gia Lai là hai địa phương xảy ra số vụ ngộ độc rượu nhiều nhất tại Việt Nam. Trong số 100 vụ ngộ độc xảy ra thời gian qua, có trên 15 vụ ở Sài Gòn, và 15 vụ xảy ra tại tỉnh Gia Lai.
Theo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Việt Nam hiện có 648 cơ sở sản xuất rượu được cấp giấy phép, cho ra lò 360 triệu lít mỗi năm. Đó là chưa kể hàng trăm cơ sở sản xuất rượu có "tính cách gia đình" sản xuất khoảng 250 triệu lít một năm.
Còn theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, các cơ sở sản xuất rượu "dởm" đã dùng một loại hóa chất có tên là methanol nguyên chất của Trung Quốc với giá rẻ mạt . Chất này được pha vào để làm tăng độ rượu trước khi rượu được tung ra thị trường. Methanol chỉ được sử dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp, bị cấm dùng để sản xuất thực phẩm.
Mới đây, hôm 16 tháng 9, 2013, hai người đàn ông cư dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng uống rượu ngâm cây "mật nhân" dùng làm thuốc bị ngộ độc, được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Một người tên Sang bị thiệt mạng. Người thứ hai may mắn được cứu thoát khỏi tay tử thần. (PL)