THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 November 2013

Khoảng 500.000 người dân đang sơ tán trốn bão



09/11/2013 19:11 (GMT + 7)
TTO -  Theo Ban Chỉ đạo Tiền phương đối phó với bão số 14, tính đến 19g ngày 9-11, các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình đã sơ tán được 132.860 hộ với 494.213 người đến các nơi trú ẩn an toàn.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tiền Phương đối phó với bão số 14 vào lúc 21 giờ 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những cố gắng của các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan đã tiếp tục thực hiện công việc đang triển khai và đạt được những yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến những nơi trú tránh an toàn. Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương, các ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc nắm tình hình, kịp thời xử lý mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan.

Riêng thành phố Đà Nẵng sơ tán được 35.373 hộ với 177.821 người (người dân 135.026, sinh viên, công nhân 42.795) đạt 93%. Tỉnh Bình Định, Phú Yên đang theo dõi sát diễn biến của bão để sơ tán.

Các tàu hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông đã vào các đảo tránh trú bão, một số đã di chuyển xuống phía Nam. Các tàu hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông (Bắc Vĩ tuyến 15, bao gồm quần đảo Hoàng Sa), trong đó 2 tàu của Quảng Nam đang di chuyển lên phía Bắc Vĩ tuyến 17; 7 tàu của Quảng Ngãi đã vào bờ. Toàn thành phố Đà Nẵng có 1.848 phương tiện với 7.432 lao động đã vào bờ neo đậu, tránh trú an toàn. Như vậy, Đà Nẵng không còn tàu thuyền trên biển.
Tính đến 19g ngày 9-11 đã có 17 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng lớn hơn 400m3/s.
Lúc 15g ngày 9-11, Công ty Thủy điện Yaly có thông báo xả điều tiết.

Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đến thời điểm này đã có 3 người chết, (Quảng Nam 2, Quảng Ngãi 1). Các đơn vị đã huy động trên 31 cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị giúp dân chằng chống 46.213 nhà, 181 trường học, trạm y tế. Di dời 40.141 hộ với 157.964 khẩu. Riêng các huyện đảo Cù lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù lao Xanh (Bình Định) 352 hộ hộ với gần 1.377 khẩu được đưa vào các doanh trại bộ đội trú tránh bão./.
Trước đó, chiều tối 9-11, tại sở chỉ huy của Chính phủ đối phó với bão số 14 tại Quân khu 5 (Đà Nẵng), phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cơn bão Haiyan có hướng đi hết sức phức tạp, áp sát dọc bờ biển miền Trung.
Theo phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện đã có hàng vạn tàu thuyền vào bờ an toàn nhưng theo báo cáo và thực tế ông đi kiểm tra còn rất nhiều ngư dân chưa chịu rời khỏi tàu.
Ngoài ra, có các khu vực xung yếu người dân vẫn còn nấn ná ở lại trong những căn nhà cấp 4 hết sức nguy hiểm. Vì vậy, phải tiếp tục di dời, nếu người dân không đi thì cưỡng chế.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang sẵn sàng quân số với tất cả phương tiện như xe thiết giáp, máy bay để ứng phó khi cần thiết.
Ông Phúc cho rằng với tình hiện hiện tại thì không được phép chủ quan bất cứ ở khu vực nào. Thường sau bão là lũ lớn nên phải quản lý chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa. Các nhà máy thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương để thông báo cho dân biết việc xả lũ, phải chú ý nghiên cứu xả lũ vào ban đêm.
Ngoài ra, ông Phúc chỉ đạo các ngành công an, các địa phương phải quản lý việc người dân đi lại trong và sau bão. Ngoài ra phải đảm bảo hệ thống thông tin liệc lạc để chỉ đạo ứng phó với cơn bão cực mạnh này.
Tại cuộc họp, trung tướng Lê Chiêm, tư lệnh Quân khu 5 cho biết, sau khi ông đi kiểm tra ở quận Liên Chiểu tại các khu nhà ở của sinh viên, công nhân hết sức tạm bợ nhưng còn rất đông chưa chịu di dời, đóng trái cửa. Trung tướng Chiêm kiến nghị phải tiếp tục di dời trong đêm các đối tượng này ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các vùng ven biển.
Đà Nẵng huy động xe thiết giáp, lập 3 đội ứng cứu chống bão
Chiều 9-11, UBND TP Đà Nẵng quyết định thành lập 3 đội ứng cứu đặc biệt gồm đội ứng cứu trên sông, đội ứng cứu sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão.
Theo đó, đội cứu hộ trên sông do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ huy gồm 9 phương tiện và lực lượng với 8 ca nô và 1 xe cấp cứu sẽ phối hợp với các địa phương các vùng ven biển giúp sơ tán dân; sau khi bão tan tiến hành  cứu vớt, phục vụ cho việc tiếp tế lương thực đến các vùng bị cô lập.
Còn đội ứng cứu sập đổ công trình do giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ huy với xe tải, xe đào, xe xúc, xe nâng, phương tiện cơ động sẽ phối hợp giúp địa phương sơ tán dân, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học… Sau bão, sẽ tiến hành cứu, kéo người bị nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ khi cần thiết.
Đội ứng cứu khẩn cấp trong bão với 2 xe thiết giáp PTR152 và các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quân  sự thành phố, sẽ hỗ trợ lãnh đạo đi thị sát, chỉ huy nắm tình hình, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp như cấp cứu người bị nạn, người đau ốm, sinh đẻ trong thời gian bão đổ bộ vào bờ.
Bình Định: quân và dân gấp rút phòng chống bão số 14
UBND tỉnh Bình Định tập trung di dời hàng ngàn hộ dân ở các địa phương ven biển trước 17 giờ ngày 9-11. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định huy động bộ đội thường trực, bộ đội biên phòng, công an, dân quân cơ động, dân quân tự vệ, dự bị động viên với tổng số gần 5.000 người và lực lượng của 12 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 để sẵn sàng tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước và trong khi bão xảy ra.
Ngày 8-11 Sở GD&ĐT Bình Định đã ra thông báo cho toàn bộ sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học. Tuy nhiên, ngày 9-11 ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định học sinh một số trường vẫn đi học, giáo viên đi tập huấn phòng cháy chữa cháy. Phó chủ tịch huyện Hoài Nhơn Hoàng Minh Giới cho biết: “Tôi làm việc với Phòng giáo dục thì họ nói là không nhận được văn bản của Sở. Sở chỉ thông báo cho trường THPT chứ không thông báo cho các trường THCS và Tiểu học nên họ vẫn để học sinh học bình thường”. Trong khi đó, giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh cho biết đã thông báo xuống tất cả các phòng và hệ thống trường học qua hệ thống mạng, điện thoại và thông tin đại chúng trong ngày 8-11.
Tính đến 19 giờ ngày 9-11, Bình Định còn 37 thuyền đánh cá còn hoạt động trong vùng bão ở biển Đông, khu vực đảo Trường Sa.
Quảng Trị di dời 20.000 dân tránh bão
Tại Quảng Trị, chiều 9-11, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra các điểm xung yếu ở các vùng ven biển Hải Lăng, Triệu Phong.
Trong khi đó, từ sáng 9-11, hàng nghìn hộ dân nhất là các vùng ven biển của tỉnh này đã tổ chức chằng chống nhà cửa. Bao cát, dây dợ được người dân sử dụng tối đa.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều gia đình có hàng quán nằm ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh đã tự lột mái lợp quán mình để tránh bị bão phá hoại. Ít nhất 20.000 người dân đã được lệnh di dời khẩn cấp để tránh bão. Nhất là tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Điểm di dời chủ yếu là các trường học, nhà kiên cố. Người dân được khuyến cáo mang theo đồ đạc để sinh hoạt. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, do tình hình tại Quảng Trị vẫn khá yên ắng nên chính quyền đã cho những người dân di dời tạm thời trở về nhà ăn cơm tối sau đó trở lại.
Tại huyện Gio Linh, ông Trần Ngọc Lân, chủ tịch UBND huyện cho biết, tất cả đã sẵn sàng để di dời. Trong đêm 9-11 sẽ tập trung di dời người già và trẻ em. Đến 4g sáng 10-11 sẽ tiếp tục di dời những người còn lại để đảm bảo an toàn trong bão. Để đề phòng song dâng cao đánh vỡ tàu thuyền của ngư dân, trong buổi chiều, lực lượng các đồn biên phòng ven biển đã được huy động để giúp dân neo buộc lại tàu thuyền.
Huế: Chạy trốn bão trong đêm
Đến 20g ngày 9-11, hơn 2.100 hộ dân ở các vùng xung yếu, thấp trũng, sống trong những căn nhà tạm bợ tại các khu “ổ chuột” ở TP Huế đã được di dời đến nơi trú ẩn an toàn.
Hơn 750 người dân sống tại xóm nhà tạm bợ ở khu vực Trường Bia (thuộc phường An Cựu, TP Huế) mới đến Nhà thi đấu của Đại học Huế và Trường ĐH Kinh tế Huế để tránh bão. Đây là những hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ chờ giải tỏa. Trong khi đó hơn 60 hộ dân vạn đò sống trên sông Kẻ Vạn (phường Kim Long) cũng được di dời đi tránh bão ngay trong đêm.
Lực lượng công an phường An Cựu, TP Huế giúp đỡ người dân di dời. Ảnh: Nguyên Linh
Đến 19g ngày 9-11 toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã di dời hơn 33.500 hộ với 132.000 khẩu ở vùng xung yếu, ven biển, vùng đầm phá lên trú ẩn an toàn tại các nhà cao tầng của dân, trụ sở ủy ban xã phường, trường học và cơ quan công sở của nhà nước.
Theo ông Lê Trường Lưu, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đây là lần sơ tán tránh bão lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh này. Lực lượng công an, quân đội được phân bổ về cắm tại các vùng xung yếu để sẵn sàng ứng cứu người dân khi xảy ra sự cố.  Quân khu 4 tăng cường 300 chiến sĩ vào giúp Thừa Thiên-Huế đối phó với bão. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 15 xuồng cao tốc, 48 xuồng, thuyền các loại, 30 xe tải - xe lội nước và hơn 800 áo phao tập thể và 100 nhà bạt về vùng xung yếu, ven biển để sẵn sàng ứng phó.
CTV Thanh Ba từ Hội An cho biết  (Quảng Nam) ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban chỉ huy PCLB TP Hội An cho biết đến 20g30 ngày 9-11 đã hoàn thành công tác di dời 5.428 hộ dân với 22.401 người dân nằm trong diện di dời về nơi tránh bão an toàn. Hiện tại, toàn bộ những hộ dân trên đã được phân bổ lánh nạn tại các đơn vị trường học, trụ sở hành chính kiên cố và nhà người quen trong phố cổ. Trong những ngày tránh bão, bà con sẽ được thành phố hỗ trợ đồ ăn, thức uống.
Nghệ An: Dân mua lương thực, chằng chống nhà cửa
Trước thông tin dự báo bão có thể đổ bộ vào Nghệ An - Quảng Bình, cho đến tối 9-11, trên địa phận nhiều huyện của Nghệ An, người dân đang cấp tập chẳng chống nhà cửa chống bão. Trên dọc quốc lộ 1A qua địa phận thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, nơi đâu cũng thấy cảnh người dân mua sắm lương thực, vật dụng chuẩn bị trước khi bão vào đất liền.
Bà Đậu Thị Cần (phường Quỳnh Thiên, thị xã Hoàng Mai), cho biết nghe thông tin trên báo đài thì cơn bão này lớn quá. “Mới đây ngập lụt ở Hoàng Mai đã dâng tràn cả vào nhà, lần này thấy đài nói bão giật tới cấp 15 nên phải chủ động chằng chống nhà cửa, nhưng cũng chưa yên tâm”- bà Cần nói.
Tại tuyến sông Hoàng Mai (Nghệ An), cho đến 21g tối 9-11, gần như cả tuyến sông này đều rực sáng ánh đèn của các tàu thuyền đánh bắt xa bờ chạy về đây neo đậu. Anh Hoàng Ngọc Chính, chủ một tàu cá thuộc địa phận phường Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An), cho biết thấy thông tin bão lớn sắp đổ bộ nên gần như các chủ tàu thuyền đều chủ động tìm nơi trú ẩn. “Anh em đi thuyền nói nếu dự báo đúng thì cơn bão này lớn thật. Từ chiều tới giờ đã có khoảng 300 tàu thuyền tìm vào đây neo đậu. Đêm nay tạm neo tại đây, sáng mai chắc phải chằng níu lại chứ bão lớn không biết thế nào”-anh Chính nói.
Ngay trong đêm tối 9-11, trên dọc quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Nghệ An, gần như 100% các cửa hàng, cửa hiệu, cây xăng đều chủ động dùng luồng, tre chằng chống nhà cửa, quán hàng. “Những trận bão trước thì chỉ dùng dây gia cố các cột xăng, nhưng thấy thông tin trận bão này gây thiệt hại nặng ở Philippines nên phải dùng cả luồng, tre để chằng chống”-anh Lê Xuân Nhì, nhân viên trạm xăng Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu), cho biết.
Đà Nẵng: Hàng trăm sinh viên vào trường trú bão
Đến tối 9-11, tại các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hàng trăm hộ dân vẫn tích cực chèn chống nhà cửa. Nhiều hộ dân ở đây cho biết vợ con họ đã đi tránh bão ở nơi kiên cố. Ông Trần Văn Lê (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) cho biết: “Cả ngày ni gia đình tôi lo gói ghém đồ đạc đi gởi, tới tối mới có thời gian gia cố lại cửa. Vợ và hai đứa con tôi đã đi tránh bão, tôi làm cũng sẽ đi tìm chỗ trú”.
Trong khi đó, tại các xóm trọ quanh trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư Phạm (ĐH Đà Nẵng) hàng trăm sinh viên và các hộ dân cũng đã khăn gói đồ đạc đến trú bão tại hai ngôi trường này. Tại khu nhà A3, trường ĐH Sư Phạm, có khoảng 100 hộ dân và 200 sinh viên đang chia nhau trú bão khắp các tầng, các khu nhà đúc mê kiên cố cũng là nơi được người dân tận dụng gởi xe. Đến 20g, tại sân trường ĐH Sư Phạm vẫn không ngớt người di chuyển vào trú bão.
NGUYÊN LINH - XUÂN LONG - TRƯỜNG TRUNG - T.BA - HỮU KHÁ - TR. ĐĂNG – T.THÀNH - Q.NAM