Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong 5 năm (2008 - 2013), cơ quan chức năng kiểm tra Công ty CP XNK 29 Hà Nội 5 lần thì có tới 4 lần phát hiện sai phạm. Tháng 12.2009 phát hiện doanh nghiệp (DN) không có giấy phép sản xuất rượu; không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); Tháng 12.2011, DN bị QLTT tạm giữ 268 chai rượu vang đỏ loại 750 ml vì hàng hóa kém chất lượng; Cũng trong năm 2012, cơ sở này lại tiếp tục bị xử phạt 3 triệu đồng vì vi phạm nội dung ghi nhãn mác không đúng quy định.
Theo bà Mai, trong lần kiểm tra gần nhất ngày 16.10, đoàn thanh tra Sở Công thương đã bỏ qua không kiểm tra nơi sản xuất rượu vì DN khai báo không sản xuất rượu. DN chỉ bị xử phạt 3 triệu đồng với phạm quy định VSATTP trong sản xuất nước giải khát.
Cho đến khi vụ ngộ độc xảy ra, ngày 5.12, tiến hành kiểm tra, Chi cục VSATTP Hà Nội mới phát hiện thêm hàng loạt sai phạm như: công ty không thực hiện chế độ kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ; nhãn sản phẩm đều sai so với tên hồ sơ công bố. Bên cạnh đó, các giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm rượu đều đã hết hạn hiệu lực.
Bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó chánh thanh tra Sở Y tế cho biết: “6/8 mẫu đoàn kiểm tra lấy trong kho có hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần. Trong đó, rượu nếp 29 can 2 lít có hàm lượng methanol gấp 2.959 lần cho phép”.
Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm!?
Về trách nhiệm cơ quan chức năng trong việc quản lý, hậu kiểm, bà Mai thừa nhận trách nhiệm chính thuộc về ngành công thương và những ngành liên quan. “Với hàm lượng methanol lớn như Sở Y tế công bố, trong quản lý nhà nước chưa bao giờ xảy ra như vậy. Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân nên chưa thể công bố cơ sở cung cấp cồn nguyên liệu cho Công ty CP XNK 29 Hà Nội. Tuy nhiên, DN sản xuất kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm”, bà Mai nói.
Cũng theo bà Mai, mặc dù DN nhiều lần vi phạm nhưng do những lần vi phạm đều ở mức nhẹ, chỉ xử phạt hành chính nên không thể rút giấy phép hoặc đình chỉ sản xuất của DN (?).
Rượu độc đã đến Quảng Ninh, Hải Dương
Bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết theo khai báo của chủ DN, lô hàng sản xuất ngày 12.10 thực chất là sản xuất vào ngày 29.10 với số lượng 10.000 lít theo đơn đặt hàng của Công ty kỹ nghệ Thái Lan ở Quảng Ninh. DN đã chuyển 6.000 lít ở Quảng Ninh và 4.000 lít cho Hải Dương. Tại Hà Nội, theo lời khai của chủ DN có bán cho một số đại lý tại Hà Nội, nhưng đến sáng qua 10.12, trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện ra sản phẩm rượu nào của công ty này.
Ngày 9.12, Thanh tra Chi cục VSATTP tỉnh Hải Dương đã phát hiện DN Thủy Hưng (TP.Hải Dương) có nhập rượu của Công ty CP XNK 29 Hà Nội. DN Thủy Hưng cho biết ngày 1.12 đã nhập 400 thùng rượu, tương đương 2.400 can 2 lít; số hàng đã được chuyển cho một đại lý ở TX.Quảng Yên (Quảng Ninh). Cũng theo chủ DN này, Công ty CP XNK 29 Hà Nội còn ký gửi 600 chai rượu vang nổ loại 750 ml tại các hộ kinh doanh ở Hải Dương. Thanh tra Chi cục VSATTP tỉnh đã yêu cầu DN phải thu lại số rượu này trước ngày 12.12 để xử lý và yêu cầu các cửa hàng không bán loại rượu nếp 29 Hà Nội.
T.H - P.H.S
|
Bắt giám đốc công ty sản xuất “rượu nếp 29 Hà Nội”
Chiều 10.12, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Duy Vường, 46 tuổi, Giám đốc Công ty CP XNK 29 Hà Nội (Q.Long Biên, TP.Hà Nội), để điều tra làm rõ vụ 6 người tử vong do ngộ độc rượu. Cùng bị bắt còn có Trần Xuân Mạnh (30 tuổi) và Đặng Văn Cảnh (36 tuổi), cùng trú Q.Long Biên và là cán bộ phụ trách kỹ thuật sản xuất thuộc công ty trên.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, bước đầu ông Vường cùng hai cán bộ trên khai nhận: để sản xuất rượu, công ty đã nhập cồn của một đơn vị khác, sau đó pha với nước để thành rượu và biện hộ rằng các nhân viên của công ty đã không kiểm tra nên không biết đã nhập nhầm một lô cồn công nghiệp thay vì cồn thực phẩm, đồng thời không biết hàm lượng methanol trong cồn nhập quá cao so với mức cho phép. Khi rượu đã được pha, nhân viên tại khâu này cũng không kiểm tra chất lượng, đo nồng độ mà cứ đóng can và xuất hàng.
Phạm Hải Sâm
|
Thu Hằng