Ngân hàng chạy đua nước rút tín dụng: Vẫn “cá treo mèo nhịn”
Vào giai đoạn nước rút cuối năm, các ngân hàng tung vốn lãi suất 0% để "câu” khách hàng. Nhưng đối với nhiều người thì muốn vay được vẫn không hề dễ, vẫn là cảnh "cá treo mèo nhịn”.
Vay vốn ngân hàng vẫn không dễ chút nào
Cửa hẹp lãi suất 0%
Đối với khách hàng cá nhân, Ngân hàng VP Bank tung ra gói tiền cho vay
"siêu ưu đãi” 0%/năm, cố định trong 3 tháng đầu tiên và giá trị khoản vay tối đa
lên đến 5 tỷ đồng/khoản. Nếu có tài sản đảm bảo, khách hàng có thêm thêm lựa
chọn ưu đãi lãi suất vay ưu đãi 6%/năm, cố định trong 6 tháng đầu
tiên.
"Kém miếng khó chịu”, ngân hàng TMCP Tien Phong (TP Bank) xác định, đối với
vay tiêu dùng có thế chấp khách hàng hưởng mức lãi suất 8,8%/năm trong 8 tháng
đầu tiên, hoặc 0% trong tháng đầu tiên và 11% trong 11 tháng tiếp theo. Còn vay
hộ kinh doanh, TPBank áp dụng mức lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu tiên, hoặc
8%/năm trong 8 tháng đầu tiên.
Ra sức tung "mồi” để câu khách hàng nhưng thực sự thì vốn giá rẻ không phải
ai cũng với được. Vốn ngân hàng vẫn luôn trong cảnh "nước chảy chỗ trũng”, "nhất
thân nhì quen”. Dù lãnh đạo các ngân hàng chia sẻ, cam kết mang đến nguồn vốn ưu
đãi, hỗ trợ tích cực cho khách hàng có nhu cầu vay, song thực tế không dễ dàng
như vậy.
Chị Nguyễn Thanh Phương (một cán bộ nghiên cứu) cho biết, ngân hàng chỉ dễ
với người chứng minh được thu nhập trả nợ. Dù có tài sản thế chấp là nhà ở đường
Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) nhưng chị không thể chứng minh được thu nhập đủ để trả
nợ nên các ngân hàng khi chị tìm đến đều từ chối. Được biết, hiện thu nhập trả
qua tài khoản của chị Phương là 4,8 triệu đồng/tháng.
Bình luận về việc "ngân hàng tung vốn nhưng vẫn chỉ dành cho đối tượng
khách hàng tốt”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Nguyên nhân đến từ 2 phía, ngân
hàng sợ nợ xấu, còn khách hàng cần tiền mới phải đi vay. Đặt trong nguyên tắc về
rủi ro, lợi nhuận đi cùng chiều với rủi ro: lợi nhuận giảm rủi ro giảm và ngược
lại. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, rủi ro tăng vì những khó khăn trong
các ngành kinh tế, nhưng lãi suất cho vay lại cần phải hạ xuống thì có vẻ logic
này đang bị đảo ngược: lợi nhuận và rủi ro đi ngược chiều nhau nên khi ngân hàng
đã tung vốn rẻ mà lại không sàng lọc thì chính ngân hàng là người chịu
thiệt”.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, nhiều ngân hàng đã ngấm đòn với bất
động sản, nên dù là tài sản thế chấp nhiều cũng không an toàn bằng việc chứng
minh được thu nhập trả nợ. Vì thế, không phải ai cũng có thể dễ vay.
Kích lãi suất, vốn vẫn khó ra
Làm việc tại một công ty liên doanh Nhật Bản, anh Nguyễn Tiến Dũng (đường
Pháo đài Láng – Hà Nội) có nhu cầu vay tiền để sửa nhà dịp cuối năm. Thế nhưng
khi tiếp cận với Ngân hàng VPbank đã bị từ chối vì căn nhà anh muốn thế chấp vay
vốn chỉ mới có hợp đồng mua bán chưa có sổ đỏ.
Tiến sĩ Hạ Thị Thiều Dao, giảng viên Học viện Ngân hàng cho rằng, sau khi
khảo sát một số ngân hàng, lý do khiến cho người dân lẫn doanh nghiệp vẫn không
vay được tiền ngân hàng là do tài sản thế chấp không đảm bảo. Vì đối với ngân
hàng, để cung cấp tín dụng, các điều kiện theo chuẩn phải được đảm
bảo.
Còn theo TS Trần Du Lịch, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín
dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Và do vậy, tình trạng
ngân hàng thừa tiền - dân doanh thiếu vốn sẽ vẫn kéo dài.
|