Thứ Tư, 13/11/2013 21:53
Tiền, hàng viện trợ đổ về Philippines ngày một nhiều song chưa thể đến tay các nạn nhân do hạ tầng giao thông tan nát
Hội đồng Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines (NDRRMC) hôm 13-11 xác nhận đã có 2.275 người thiệt mạng do siêu bão Haiyan, trong lúc 3.365 người bị thương và 80 người mất tích.
Tranh cãi về thương vong
Theo NDRRMC, tổng cộng 1,387 triệu gia đình (hoặc 6,937 triệu người) bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế ban đầu ước tính 17,4 triệu USD. Dù vậy, Cơ quan Phân tích thảm họa CEDIM tại Đức đánh giá tổng thiệt hại do bão Haiyan trên cả nước Philippines có thể lên đến 8-10 tỉ USD.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng số người chết vào khoảng 2.000-2.500 người, thấp hơn khá nhiều so với ước tính ban đầu. Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Aquino cho rằng con số 10.000 người chết là “quá cao” và được đưa ra do “tâm lý hoảng loạn” trước sự tàn phá khủng khiếp. Dù vậy, một số nhân viên cứu trợ hoài nghi phát biểu của ông Aquino. Ông Gwendolyn Pang, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Philippines, nói với Reuters: “Số thương vong sẽ cao hơn trong những ngày tới bởi còn nhiều khu vực chưa thể tiếp cận”. Theo ước tính ban đầu của tổ chức này, số người mất tích vì bão Haiyan là 22.000 người.
Cư dân thành phố Tacloban tìm cách chạy khỏi địa phương này do lo ngại tình trạng vô chính phủ Ảnh:AP
Trong lúc này, những người sống sót đang ngày càng hoảng loạn vì vẫn chưa nhận được hỗ trợ nào. Theo hãng tin Reuters, một số người tuyệt vọng bắt đầu đào ống nước dưới đất để tìm nước uống. Nạn cướp bóc, hôi của ngày một nghiêm trọng bởi lực lượng an ninh dường như không nỡ hoặc không thể ngăn chặn những người đói khát lùng sục thức ăn. Tại thành phố Alangalang thuộc tỉnh Leyte, cảnh sát và binh lính bất lực đứng nhìn vụ cướp lương thực xảy ra hôm 12-11. Hàng ngàn người xông vào kho chứa lương thực và mang đi hơn 100.000 bao gạo cứu đói. Tuy nhiên, 8 người đã mất mạng khi một bức tường nhà kho đổ sập.
Nỗi lo “vô chính phủ”
Một số khu vực khác có vẻ đang rơi vào tình trạng vô chính phủ. Đài truyền hình ANC đưa tin lực lượng an ninh đã đọ súng với các tay súng ở làng Abucay thuộc thành phố Tacloban, nơi bị bão tàn phá nặng nề nhất. Báo Manila Standard cho biết hàng ngàn người lo sợ tình trạng an ninh xấu đi đã đổ dồn về sân bay Tacloban để tìm chỗ trên máy bay đến Manila trong ngày 13-11. Để xoa dịu nỗi lo của người dân, nhà chức trách đã triển khai thêm nhiều cảnh sát, binh sĩ đến Tacloban.
Các cơ sở y tế cũng trong tình trạng quá tải. Tại một bệnh viện ở Tacloban, một phụ nữ chỉ biết đau đớn nhìn đứa con 5 tháng tuổi qua đời vì không tìm được thuốc trị bệnh cho bé. Cô nói với đài ABS-CBN: “Không ai giúp đỡ chúng tôi cả!”.
Nhà chức trách Philippines và cộng đồng quốc tế vẫn đang vật lộn với hạ tầng giao thông bị tàn phá để tìm cách đưa hàng cứu trợ đến người sống sót. Trước mắt, theo báo Philippine Daily Inquirer, hơn 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đang có mặt ở Philippines đã được lệnh dùng tàu đổ bộ để hỗ trợ cứu hộ tại những khu vực khó tiếp cận. Tàu sân bay USS George Washington, với 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay, cùng 5 tàu chiến khác của Mỹ đã đến Philippines hôm 13-11. Trước đó một ngày, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 301 triệu USD để giúp đỡ người sống sót sau bão ở Philippines.
Nước mắt tại COP 19
Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái với phái đoàn Philippines, khoảng 30 nhà sinh thái tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 19) ở Warsaw - Ba Lan hôm 12-11 đã quyết định tuyệt thực cho đến ngày bế mạc.
Ông Naderev Yeb Sano lau nước mắt khi đang phát biểu
Ảnh:TVP HB/REUTERS
Trước đó, ông Naderev Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philippines, đã bật khóc khi có bài phát biểu đẫm cảm xúc khiến cả thế giới dường như chết lặng. Ông kêu gọi tha thiết: “Các cơn bão như Haiyan và tác động của nó là lời cảnh tỉnh tới cộng đồng quốc tế. Không thể trì hoãn thêm những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Những gì đất nước chúng tôi đang trải qua từ sự kiện thời tiết cực đoan đó (siêu bão Haiyan) là sự điên rồ. Chúng ta có thể kết thúc sự điên rồ đó. Ngay tại đây, ở Warsaw”. Ông Sano cùng những thành viên khác của phái đoàn Philippines tuyên bố sẽ không ăn, chỉ uống nước cầm chừng để gây sức ép cho đến khi hội nghị đạt được “một kết quả ý nghĩa”.
|
Hoàng Phương