THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 November 2013

Quá đà phát triển thủy điện



TP - “Một thời gian dài, chúng ta đã quá đà tập trung phát triển thủy điện, trong khi công tác quản lý nhà nước về thủy điện ngày càng 
bộc lộ hạn chế, bất cập, chậm được khắc phục” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu thảo luận chiều 13/11.
Thủy điện Sông Bung 4A, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà
Thủy điện Sông Bung 4A, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà.
Đề xuất ra nghị quyết về thủy điện
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học, quá nhiều dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch, nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, nhưng không đảm bảo yêu cầu và chất lượng. Từ đó, mặt hạn chế của thủy điện ngày càng lộ rõ, dẫn đến bức xúc của người dân và chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện các dự án thủy điện.
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, địa phương có nhiều công trình thủy điện, cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, thủy điện đã “lấy mất” 133.930 ha đất, 19.792 ha rừng, 44.557 hộ dân phải di dời để tái định cư. Đây là những con số rất có ý nghĩa nói lên mặt trái khi đầu tư phát triển thủy điện, ĐB Học nói.
Về nguyên nhân tình trạng trên, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng còn có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về thủy điện. Quốc hội cần ban hành nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện, nhưng trong nghị quyết phải giao Chính phủ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác lập, xây dựng quy hoạch thủy điện, ĐB Học nói.
Một vấn đề được nhiều ĐB yêu cầu làm rõ chính là “hậu thủy điện”. ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, chất lượng công trình thủy điện rất đáng lo ngại, nhưng báo cáo Chính phủ chưa đánh giá đúng thực tế. “Vấn đề đời sống của người dân sau khi nhường đất cho xây dựng thủy điện, bây giờ đời sống người dân ra sao, không ai quan tâm, đã có điện chưa không ai biết”, ông Bình nói.
Trách nhiệm để mất rừng
Một số ĐB đề nghị phải làm rõ diện tích đất rừng bị mất do thủy điện gây ra là bao nhiêu, cùng đó là trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. “Rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) phát biểu.
Theo ĐB Ly Kiều Vân (Quảng trị), thủy điện nhỏ đóng góp cho phát triển hệ thống điện không lớn, nhưng gây hậu quả lớn là mất rừng, xả lũ gây thiệt hại cho dân. “Theo quy định, phải trồng lại rừng, tuy nhiên đến nay diện tích rừng chưa được trồng đủ, lợi dụng làm thủy điện để khai thác rừng và khoáng sản trái phép, nhưng không ai chịu trách nhiệm, Chính phủ cần làm rõ việc này”, ĐB Vân kiến nghị.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong tổng số dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch 65% do địa phương phê duyệt, Trung ương chỉ phê duyệt 35%. “Trong số ít nhất 424 dự án bị loại bỏ, có những dự án có tính khả thi, nhưng chỉ khả thi ở một mặt nào đó nên loại bỏ. Tổn thất đối với các dự án bị loại bỏ, trừ các dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A còn lại hầu như không có chi phí đáng kể vì đang ở giai đoạn nghiên cứu, thậm chí mới đặt ra trên quy hoạch”, Bộ trưởng Hoàng nói.
40 năm nhường đất cho thủy điện, dân chưa có điện
Theo ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái), công trình thủy điện Thác Bà đã được xây dựng hơn 40 năm nay, hơn 5 vạn dân chuyển đến nơi tái định cư, nhường gần 20.000 ha đất cho thủy điện. Nhưng đến nay, hơn 1 vạn dân chưa có điện. “Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, đồng bào hỏi bao giờ thôn bản mình có điện?”, ông Bình nói.
Hồng Phúc