Trong lúc những học sinh đang nỗ lực cứu bạn đuối nước giữa hồ sâu thì nhiều người lớn đứng câu cá gần đó chỉ khoanh tay đứng nhìn, câu chuyện đang gây xôn sao dư luận ở Bình Dương.
Nhóm học sinh đi đá banh cùng Đạt và Kiệt trước khi xảy ra vụ chết đuối
Sự việc diễn ra vào khoảng 15h30’ ngày 19/10. Sau khi tan học, một nhóm học sinh lớp 9 trường THCS Tân Tới rủ nhau đi đá bóng. Đá bóng xong, nhóm học sinh tiếp tục rủ nhau ra khu vực hồ Vàm Bà Hon (thuộc xã Bình Nhâm, Thuận An, sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương) để rửa chân.
Khu vực này mới xây thêm cống thoát nước nên mực nước khá sâu. Khi cả nhóm đã lên đường chuẩn bị đi về nhưng Kiệt vẫn còn đang lay hoay phía sau. Bất ngờ nam học sinh trượt chân té xuống nước. Do không biết bơi, Kiệt càng vùng vẫy kêu cứu càng bị nước cuốn xa bờ.
Em Nguyễn Thị Ngọc Thủy, một trong số học sinh có mặt lúc đó kể lại: “Thấy bạn Kiệt ngã xuống, một bạn khác vội nhảy theo để vớt, nhưng do bị Kiệt đạp quá mạnh vào thân khiến bạn này đau quá rồi chìm theo xuống nước”.
Thấy bạn gặp nguy hiểm, Đạt liền ôm trái banh làm phao nhảy luôn xuống cứu, đưa được Trường vào bờ an toàn. Lúc này Kiệt vẫn đang hoảng loạn, quẫy đạp tứ tung giữa hồ nước. Bị nạn nhân Kiệt đạp mạnh vào người, Đạt đuối sức và bị nước cuốn trôi vào cống. Trong lúc 2 học sinh chới với giữa dòng nước, nhiều bạn trên bờ kêu la nhưng không thấy ai tới ứng cứu.
Chừng hơn 10 phút sau, Kiệt được cứu vào bờ, sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Phải mất gần cả tiếng đồng hồ, gia đình mới lặn tìm thấy thi thể học sinh Đạt.
Sự việc diễn ra chóng vánh, nhiều học sinh trong nhóm kể lại do không có kinh nghiệm cứu người đuối nước nên những học sinh đã không cứu được bạn mà suýt nữa chết theo.
Hiện trường vụ tai nạn đuối nước thương tâm
Bà Phạm Thị Lan, mẹ nạn nhân Kiệt cho biết từ nhỏ con mình đã là người nhát nước và chưa bao giờ tắm sông, tắm biển: “Không biết hôm đó trời xui đất khiến thế nào mà nó dám ra sông rửa chân đến nỗi phải chết oan. Tôi đang làm việc trong công ty thì nghe tin báo thằng Kiệt rơi xuống hồ, khi đến nơi thì nó đã được người ta vớt lên trong tình trạng nguy kịch, thở thoi thóp”, người mẹ nước mắt lưng tròng nghẹn ngào nói.
Tuy nhiên, “tiêu điểm” trong vụ tai nạn dẫn đến hai học sinh chết đuối trên chính là thái độ lãnh cảm của người lớn. Được biết, dù chỉ cách hồ nước vài chục mét nhưng khi nghe tiếng kêu cứu, nhiều người câu cá ở đó không hề có hành động nào ứng cứu hay trợ giúp.
Người thân của học sinh tên Đạt tỏ ra rất bức xúc trước thái độ thờ ơ đáng lên án của một số người đứng câu cá gần hồ nước: “Thấy mấy đứa kêu cứu mà họ không hề ra tay cứu giúp. Mấy đứa học sinh còn biết lao theo bạn còn người lớn chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Tôi không biết mấy người đó còn lương tâm hay không”, người mẹ của Đạt nói.
Đáng lên án hơn khi những người câu cá không những không ứng cứu các học sinh gặp nạn mà còn không hé miệng chỉ vị trí nạn nhân chìm lặn để người nhà tìm vớt xác. Phải đến khi bị vây hỏi, hù doạ, họ mới chịu cung cấp thông tin.
Được biết hoàn cảnh gia đình của cả hai học sinh chết đuối đều hết sức khó khăn. Em Kiệt hiện đang sống với mẹ và ông ngoại. Mẹ Kiệt hằng ngày đi làm công nhân may, còn ông ngoại bán vé số mưu sinh.
Tương tự, gia đình Đạt thuộc diện hộ nghèo, cả nhà 6 miệng ăn đều phụ thuộc vào một tay người bố làm nghề mộc: “Nhà có 4 đứa con, nó là con trai duy nhất trong nhà. Tôi mắc bệnh động kinh chỉ ngồi không một chỗ, tất cả nhờ bố nó làm hết”, mẹ Đạt ngước mắt nhìn lên bàn thờ con trai đang nghi ngút khói nhang.
Trở lại với thái độ căm phẫn của người thân hai nạn nhân, nhiều người địa phương tỏ thái độ đồng cảm. Ai nấy đều cảm phục trước hành động dũng cảm của Đạt.
Do nhà ở gần sông, lại biết bơi nên nếu để bảo toàn tính mạng, nam học sinh hoàn toàn đủ sức bơi vào bờ. Thế nhưng vì nỗ lực cứu bạn, Đạt đã dạt vào cống nước đang chảy xiết.
Theo Pháp Luật Việt Nam