(Từ vàng đến vàng) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ (có hiệu lực từ ngày 1-6-2014).
Theo thông tư, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trong quá trình sản xuất nếu có sử dụng vật liệu hàn bằng hợp kim vàng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, phải được công bố rõ bao gồm cả lượng vật liệu sử dụng để gắn kết nếu làm ảnh hưởng đến khối lượng của sản phẩm.
Thông tư cũng quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường, trang bị cân có phạm vi đo và cấp chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Cân phải được kiểm định, có chứng chỉ kiểm định còn thời hạn giá trị sử dụng.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm bằng cách khắc cơ học, khắc laze, đục chìm, đúc chìm, đúc nổi hoặc bằng phương pháp thích hợp hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm sản phẩm. Ngoài ra phải ghi rõ thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối cũng như các mô tả đặc điểm riêng của vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo các chuyên gia, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực sẽ chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” hiện nay của thị trường nữ trang, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
(Tuổi Trẻ)