Chủ Nhật, 22/09/2013 21:06
Sau khi cơn bão số 8 đi qua, chính quyền và người dân những nơi bị tàn phá nặng nề đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, trồng lại hoa màu... để ổn định cuộc sống
Năm ngày sau cơn lũ dữ, chúng tôi tìm về xã Cư K’bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk .Không khí tang thương vẫn bao trùm lên xã nghèo khi lần lượt 6 thi thể nạn nhân xấu số được lực lượng chức năng chở về để an táng. Ngoài ra, còn 2 người vẫn nằm lại dưới đáy sông. Trong không khí tang thương ấy, người dân nơi đây đang gượng dậy...
Vớt vát để chống đói
Nước chưa rút hẳn, gia đình bà Đào Thị Lan (ngụ xã Cư K’bang) đã đưa nhau ra đồng gặt lúa. Trong 3 sào lúa của gia đình bà thì hơn 2 sào đã mất trắng, gần 1 sào còn lại do nằm ở khu vực cao hơn nên cũng vớt vát được chút ít để chống đói. Bà Lan than: “Gần 1 ha sắn đã bị nước cuốn sạch, còn 3 sào lúa chắc cũng chỉ được vài tạ, gia đình có 7 miệng ăn nên giờ không biết trông cậy vào đâu”. May mắn hơn, trước khi mưa trút xuống, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Cư K’bang) đã thuê người gặt 2 sào lúa mới chín 7 phần. Tưởng đã chắc ăn nhưng không ngờ chưa kịp phơi thì nước lũ tràn về ngập hết nhà cửa, lúa lên mộng trắng tinh. “Lúa này giờ xay ra gạo nát như tấm, bốc mùi hôi nhưng cũng phải ăn chứ cả gia đình 5 người lấy gì sống” - bà Thanh nói.
Người dân xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cư K’bang, cho biết xã đặc biệt khó khăn với 63% là hộ nghèo. Những người bị nước cuốn trôi nằm trong diện 330 hộ dân với hơn 3.000 khẩu di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 2000. Họ đang chờ chính quyền cấp đất sản xuất nên tìm đến những khu vực núi rừng khai hoang làm rẫy. “Nước lũ không chỉ cướp đi sinh mạng của 8 người dân mà khiến không biết bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nghèo đói” - ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, những ngày qua, nhiều cơ quan, tổ chức đã đến động viên, hỗ trợ các gia đình gặp nạn. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên chính quyền huyện đang tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp giúp đỡ để người dân vượt qua cơn hoạn nạn. “Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh, trung ương có những cơ chế chính sách để người dân sớm có đất sản xuất, ổn định đời sống” - ông Phú nói.
Cứu đói, vệ sinh môi trường
Mấy hôm nay, người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi được cho là thiệt hại nặng nhất do ảnh hưởng của bão số 8 - cũng đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, trồng lại hoa màu...
Ông Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc - cho biết toàn xã có 1.928 hộ dân bị ngập. Đặc biệt, thôn Đại Mỹ có hơn 90% nhà cửa của dân chìm trong nước, hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn xiêu vẹo, sụt lún. Ruộng vườn, nhà cửa, đường bị đất bùn, cát vùi lấp hết. “Trước tình hình trên, UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. Tạm thời, huyện Đại Lộc đã chuẩn bị lương thực cứu đói cho bà con gặp khó khăn nhằm giải quyết trước mắt vấn đề dân sinh” - ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết.
Đến trưa 22-9, ngay sau khi lũ bắt đầu rút, chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng và nhân dân dọn vệ sinh môi trường, sửa sang nhà cửa... Theo ông Đinh Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi lũ chớm rút là phát động người dân quét dọn trong nhà, ngoài ngõ để bùn đất theo nước trôi đi. “Nhờ chủ động làm tốt phương án “4 tại chỗ” nên người dân đã giảm thiểu thiệt hại” - ông Lục nói.
Bà Cao Thị Hoa (ngụ xã Tân Hóa) vừa xếp lại bộ bàn ghế vừa trò chuyện: “Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi thì đang bị ốm nên rất lo không dọn kịp nhà cửa. May mà có thanh niên trong xã đến làm giúp nên cũng đỡ, nhà đã sạch sẽ chứ không còn đọng bùn đất như những lần trước”. Nhiều thanh niên, dân quân trong xã cũng ra đồng gặt lúa giúp các hộ gia đình không có người làm. “Tranh thủ gặt để ngày nắng phơi khô rồi còn chuẩn bị áo quần, sách vở cho 2 đứa con đến trường” - anh Đinh Xuân Ba (ngụ xã Tân Hóa) cho biết.
Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Tính đến chiều 22-9, mưa lũ đã làm 20 người chết, 6 người mất tích và trên 10 người bị thương. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 9 người chết, 2 mất tích; tỉnh Quảng Nam: 1 người chết, 1 người mất tích; Hà Tĩnh: 2 người chết; Đắk Lắk: 6 người chết, 2 người mất tích; Quảng Trị: 1 người chết; Đà Nẵng: 1 người chết và Quảng Bình: 1 người mất tích.
Về tài sản, 23 ngôi nhà đổ, sập, trôi; hơn 2.100 ha lúa và gần 3.200 ha ngô, khoai, sắn úng ngập, hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Cùng ngày, lực lượng chức năng xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã tìm thấy thi thể em Nguyễn Đình Dương (SN 1995) - người bị nước lũ cuốn trôi ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến.
|
Bão số 9 không ảnh hưởng đến Việt Nam
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều 22-9, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông; cường độ đã giảm xuống cấp 13-14 (từ 134 - 165 km/giờ), giật cấp 15-16.
Dự báo đêm 22, rạng sáng 23-9, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đổ bộ sát phía Đông Hồng Kông rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Như vậy, bão số 9 không có khả năng gây gió mạnh cả trên vịnh Bắc Bộ và đất liền nước ta.
B.M.Tăng-V.Duẩn
|
Nhóm phóng viên