THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 September 2013

Trung thu ế: Bằng chứng suy thoái kinh tế !...


HÀ NỘI 20-9 (NV) -
 Mức độ suy thoái của kinh tế Việt Nam đang càng ngày càng trầm trọng hơn và có thể cảm nhận điều đó qua sự ảm đạm của mùa bán bánh Trung thu năm nay.
Một cửa hàng bán bánh Trung thu. Đa số các của hàng bán bánh Trung thu đều ế ẩm. Người ta xem đó là một trong những bằng chứng rất rõ ràng về tình trạng kinh tế suy thoái. (Hình: Bloomberg)

Đó là nhận định của Bloomberg – hãng tin kinh tế, tài chính lớn nhất thế giới. Bloomberg vừa có một phóng sự về mùa Trung thu ở Việt Nam. Theo đó, Trung thu năm nay tại Việt Nam hết sức ảm đạm.
Dù đã áp dụng nhiều phương thức khuyến mãi nhưng các cửa hàng bán bánh trung thu vẫn ế ẩm đến mức đáng ngạc nhiên. Chủ các cửa hàng cho biết, doanh số của mùa Trung thu chỉ bằng một nửa của năm ngoái.
Bloomberg cho biết, thị trường bán lẻ ở Việt Nam bắt đầu chựng lại và đi xuống suốt từ năm 2004 đến nay. Lý do là càng ngày càng nhiều người quyết định “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm tối đa việc mua sắm từ những đồ xa xỉ như xe hơi, ti vi công nghệ cao đến các loại thực phẩm thiết yếu.
Đây là lý do làm hàng hóa tồn đọng và các doanh nghiệp phải nỗ lực chống đỡ gánh nặng nợ nần, bởi vốn liếng bị bất động hóa, không những không sinh lợi mà giới chủ còn phải oằn mình trả lãi. Bloomberg nhận định, thái độ lạnh nhạt của người tiêu dùng Việt Nam, tại một trong những thời kỳ mua sắm bận rộn nhất trong năm, chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy, mức độ suy thoái của kinh tế Việt Nam đang càng ngày càng trầm trọng hơn.
Một phụ nữ tên là Lê Thị Hảo, từng là công nhân, nay thất nghiệp và đang phải kiếm sống bằng việc bán hàng rong kể với Bloomberg rằng, mọi người đang cố gắng cắt giảm chi tiêu tới mức tối đa. Vào lúc này, gia đình bà Hảo chỉ có khả năng ăn thịt theo chu kỳ mười ngày một lần.
Một phụ nữ khác tên là Trần Thị Hồng Mai, làm kế toán, bị cắt 40% lương từ cuối năm ngoái thì đã thôi vào quán ăn trưa và qua bữa trưa bằng việc mang theo cơm khi đi làm. Bà Mai cũng đã bỏ thói quen mua sắm ở các siêu thị và bằng lòng sắm sửa những thứ bà cần tại các tiệm tạp hóa ở nơi bà sống. Bà Mai vẫn mua bánh trung thu trong mùa Trung thu năm nay, song đó là loại bánh được bày bán ngoài lề đường vì bà phải dành dụm để mua sữa và sách vở cho con cái.
Ông Alan Phan, một tiến sĩ người Mỹ gốc Việt, đang sống tại Việt Nam, cảnh báo, nếu dân chúng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục ôm lượng hàng hóa tồn đọng khổng lồ. Theo sau đó, các khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ càng ngày càng cao vì doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ. Sự sút giảm doanh số bán lẻ đang trở thành nguy cơ lớn cho nền kinh tế.
Cách nay vài tháng, Bộ Tài chính xác nhận, mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu 2013 thấp hơn cùng kỳ năm 2012. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự đoán, năm nay sẽ là năm thứ ba mà mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dưới 6%.
Trong khi doanh số bán lẻ chiếm khoảng 60% GDP của Việt Nam thì theo Tổng cục Thống kê, mức độ tăng trưởng của tiêu dùng cá nhân trong năm 2012 chỉ có 3,5%, giảm 1,2% so với năm 2011. Kết quả khảo sát khoảng 500 gia đình của một công ty nghiên cứu thị trường có tên là TNS, thực hiện hồi cuối năm 2012, cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang cắt dần các khoản chi cho những loại vật dụng thiết yếu như thực phẩm và giấy vệ sinh. Đáng chú ý là 79% người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát này cho biết, họ sẽ cắt giảm, chi tiêu ít hơn cho những loại sản phẩm liên quan đến chăm sóc gia đình trong năm 2013.
Chưa rõ dựa vào đâu mà trong vài tháng gần đây, chính phủ Việt Nam liên tục tuyên bố “kinh tế Việt Nam đang hồi phục và sẽ thoát đáy trong năm nay”. (G.Đ)