THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 September 2013

'Kiếp đỏ đen' của nhân viên môi giới chứng khoán


 
 Cám cảnh nghề môi giới chứng khoán

Đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng theo nhiều môi giới, thị trường chứng khoán Việt Nam chắc còn lâu mới tìm lại thời hoàng kim như cách đây 6-7 năm. Nhiều người trong số họ vẫn còn nhớ rõ cảnh sống xa hoa lúc đó.
Là giám đốc một doanh nghiệp thương mại tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Lâm (35 tuổi) chia sẻ, dù tạm thời hài lòng với cuộc sống hiện tại, anh vẫn luôn nhớ về thời hoàng kim khi còn là nhân viên môi giới chứng khoán. Gần 10 năm trước, thị trường vào giai đoạn nóng, giá một số cổ phiếu như FPT, KBC, SAM... từng lên mức kỷ lục vài trăm nghìn đồng. Cuộc sống của một môi giới OTC được anh Lâm miêu tả "như vua" khi thường xuyên được hưởng hoa hồng vài chục triệu trong những thương vụ mua bán tiền tỷ của khách hàng.
 “Mỗi tháng tổng thu nhập của tôi tới 500 triệu đồng, mà liên tiếp như vậy trong 6 tháng. Trong khi đó, công việc lại nhàn tênh, cứ giới thiệu bên nọ, bên kia mua bán thành công là mình có tiền”, anh Lâm kể.
chungkhoan6-NM-4656-1379558292.jpg
Thị trường tuột dốc những năm gần đây khiến mức thu nhập 500 triệu đồng một tháng của môi giới chứng khoán chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Nhật Minh
Với khoản lợi nhuận này, anh tích cực sắm sửa nhà lầu, xe hơi xịn và mạnh tay đầu tư thêm các lĩnh vực khác, phần nhiều là cổ phiếu, bất động sản. Số vốn ban đầu chỉ 300 triệu đồng, nhờ chứng khoán, trị giá tài sản của anh tăng lên hơn 100 tỷ. Anh khi đó quyết định mạnh dạn chi thêm hơn 70 tỷ đồng thầu nguyên một sàn giao dịch bất động sản.
Trường hợp của anh Lâm chỉ là một trong vô số môi giới chứng khoán từng trải qua giai đoạn thăng hoa của thị trường và tận hưởng cuộc sống vương giả. Anh Lê Mạnh Toàn – Trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán top 10 thị phần ở Hà Nội lại từng kiếm bộn nhờ cổ phiếu ngay khi chỉ là sinh viên mới ra trường.
Theo đó, năm 2007 anh bắt đầu khởi nghiệp với vị trí môi giới chứng khoán. Kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng lại may mắn trúng thời điểm thị trường khởi sắc. “Ngoài môi giới, tôi còn đầu tư thêm 200 triệu đồng vào cổ phiếu, mà sáng nào tỉnh dậy cũng thấy lãi vài chục triệu đồng. Thử hỏi khi đó làm nghề gì để ra được nhiều tiền như vậy?”, anh nói.
Với thu nhập trung bình hơn 300 triệu đồng mỗi tháng, chỉ sau vài năm, anh Toàn có gần 4 tỷ đồng trong tài khoản. Tuy nhiên, vì kiếm tiền quá dễ dàng từ chứng khoán, anh hầu như không có kế hoạch đầu tư nào khác ngoài việc tiếp tục mua cổ phiếu.
“Năm 2009, tôi rút hẳn một tỷ đồng và xin nghỉ vài tháng để đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng đảo lộn từ đây khi ngay sau lúc tôi đi. Ngày trở về, tôi suýt ngất khi thấy tài khoản của mình chỉ còn hơn 300 triệu đồng”, anh Toàn thở dài.
Tháng 10/2009, Vn-Index đạt 624 điểm, nhưng chỉ hai tháng sau, chỉ số này rớt 179 điểm. Khối lượng giao dịch cũng giảm 2,6 lần, xuống còn 37 triệu cổ phiếu trong phiên giữa tháng 12 năm đó.
Đến tận bây giờ, anh Toàn vẫn cho rằng đây là bài học sâu sắc và quý giá nhất từng nhận trong đời. “Nếu bây giờ có số tiền lớn như vậy, tôi sẽ phân bổ vào những thứ giá trị khác như nhà cửa, đất đai chứ không thể để mọi thứ trôi đi thế này được”, anh Toàn chia sẻ.
Còn anh Lâm, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi cuối năm 2007, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh. Một năm sau thị trường bất động sản đóng băng. Những khoản đầu tư của anh Lâm bị lỗ nặng. “May là tôi vẫn còn chiếc biệt thự trị giá gần 20 tỷ đồng, bán xong chuyển ra căn hộ chung cư, tiền còn lại mở một công ty khác làm ăn đến tận bây giờ”, anh Lâm kể. Cũng từ đó, anh rời hẳn thị trường chứng khoán và nghề môi giới.
Cũng từng là người có cuộc sống giàu sang nhờ chứng khoán, anh Phạm Ngọc Long, cựu nhân viên của Chứng khoán Thăng Long hiện vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh thị trường giảm điểm, tài sản cuốn gói ra đi theo giá cổ phiếu. Theo anh, giai đoạn nhiều kỷ niệm nhất lại là năm 2009 khi “đội lái” lần đầu xuất hiện tạo sóng trên thị trường.
Thu nhập của anh Long trung bình dao động 300-500 triệu đồng mỗi tháng nhờ phí môi giới và tự đầu tư. Với số tiền như vậy, anh Long mạnh tay chi tiêu, sắm sửa điện thoại có giá hơn 300 triệu đồng, sở hữu hai xế hộp loại sang và chỉ mặc quần áo hàng hiệu thế giới.
“Ngày đó, mỗi khi hết giờ làm, tôi và mấy anh em trong phòng hay rủ nhau đi nhậu, ngồi bar. Trong túi ai cũng có vài cọc tiền trị giá 10-30 triệu đồng. Chưa bao giờ tôi thấy kiếm tiền dễ như vậy. Khách hàng cứ mua cổ phiếu là thắng, họ lãi thì lại chia cho mình thêm 10-20 triệu. Cuộc sống hồi đó phải gọi là tắm trong tiền mới đúng”, anh Long vừa kể vừa cười lớn.
Đồng nghiệp anh Long khi đó cũng có đời sống rất phong lưu. Một phòng môi giới có 5 người thì tất cả đều lái xế hộp hạng sang đi làm. Thu nhập cao hơn cả lãnh đạo công ty, thông thường dao động 300-500 triệu đồng mỗi tháng. “Thậm chí có người tôi quen, cũng làm nghề này, từng cầm một chiếc nhẫn gần 2.000 USD đi cầu hôn bạn gái nhưng bị từ chối. Cậu ấy quá buồn đã vứt chiếc nhẫn lại trên bãi cỏ và ra về, không buồn quay lại nhặt”, anh Long kể.
Theo dân môi giới, con sóng năm 2009 lớn nhưng chưa bằng năm 2007, hầu hết do đội lái làm giá để lướt cổ phiếu penny và chỉ kéo dài gần một năm. Tới cuối năm 2009, khi sóng lặng dần, nhiều môi giới chứng khoán mới thực sự “điêu đứng”.
Toàn bộ tài sản của anh Long trôi dần trong sắc đỏ của cổ phiếu. Sau khi mạnh tay vay ký quỹ, cộng thêm khoản tiền huy động từ gia đình và bạn bè đổ vào chứng khoán, anh phải bán hết điện thoại, xe sang để trả nợ. Ngay cả chiếc xế hộp nhập khẩu mới cứng vừa được anh Long đặt mua từ nước ngoài về cũng phải cấp tốc sang tay để có thêm tiền.
Giờ đây, anh Long có vẻ ngoài giản dị, dùng xe máy đi làm mỗi ngày, chi tiêu cũng phải toan tính nhiều hơn. Anh cũng đã kết hôn và có con, nhưng cho biết tinh thần vẫn chưa thực sự hồi phục từ sau cơn chấn động chứng khoán cách đây gần 4 năm. Khách hàng của anh cũng chỉ còn lại vài người do đa phần bị thua lỗ từ những năm trước, trong khi số khách mới hầu như không có. Thu nhập hiện tại dao động 7-8 triệu đồng mỗi tháng, theo anh là khá khẩm hơn so với thời điểm cách đây 1-2 năm. Ngoài giờ hành chính, anh và vợ còn mở một cửa hàng bán quần áo trực tuyến để có thêm nguồn thu.
Trao đổi với VnExpress.net, một trưởng phòng môi giới tại Chứng khoán VNDirect cho rằng, điều quan trọng nhất đối với nghề môi giới cũng như đầu tư chứng khoán là biết phân định rõ ranh giới của lòng tham và sự được-mất. “Trong suốt những năm tháng làm nghề môi giới, tôi cũng từng thắng rất nhiều, mà số lần thua cũng không phải ít. Giờ đây mới thấy quan trọng tâm phải tĩnh, luôn tỉnh táo trước mọi con sóng. Kiếm tiền một cách quá dễ dàng sẽ chẳng bao giờ bền lâu”, anh kết luận.
Tường Vi