SỐNG MỚI - 26/10/2013
Cho đến ngày 25/10, phiên thảo luận tổ thứ 3 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Kim Tiến vẫn tránh phóng viên. Thay vào đó là bản báo cáo giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội và cử tri trước những vấn đề nổi cộm của ngành.
Đầu tiên là vụ tiêm vaccine gây chết trẻ sơ sinh tại Quảng Trị, bản báo cáo nhấn mạnh vào hiện tượng tiêm nhầm thuốc đã từng xảy ra ở một số nước trên thế giới nên đó chỉ là việc không ai muốn xảy ra! Như vậy, những vấn đề khách quan về chất lượng vaccine đã bị gạt bỏ, và đây sẽ là thuần túy thuộc về lỗi của một cá nhân, nhóm người nào đó. Mà nếu đúng như nguồn tin của báo Lao Động đưa sáng ngày 25/10, kết quả điều tra từ công an cũng cho thấy những đứa trẻ đã bị tiêm nhầm thuốc co thắt tử cung Oxytocin! Bộ trưởng Kim Tiến đã từ chối bình luận về kết luận điều tra này. Còn theo báo Pháp luật, cả 2 phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình đều viện cớ ốm và bận công tác nên không biết đến thông tin trên.
“Bệnh viện vẫn có 2 mức giá như giá chữa bệnh tự nguyện, giá chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong giáo dục cũng vậy, giá trường công, giá trường tư là khác nhau. Một đất nước như thế mà cả giáo dục và y tế lại xuống cấp như vậy?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Infonet 25/10) |
Về vụ việc ăn bớt vaccine ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng đây là sai phạm có tính chất cá nhân trong việc thực hiện quy định tiêm chủng của Bộ nên cán bộ trực tiếp tiêm chủng đã bị buộc thôi việc, giám đốc Trung tâm đã tiến hành kiểm điểm phê bình và bị cắt thi đua khen thưởng. Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Hòai Đức khiến dư luận phẫn nộ hiện vẫn đang được điều tra.
Có thể thấy, bản báo cáo của Bộ trưởng đã làm được một việc là khoanh vùng những vụ việc nghiêm trọng trong ngành xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng 3 tháng đổ lại đây. Nếu như dư luận bức xúc vì sao sau vụ vaccine tại Quảng Trị, Bộ trưởng Y tế không cất được một lời xin lỗi thì nay, sau vụ bác sĩ Mạnh Tường thực hiện hành động phi nhân tính trên cầu Thanh Trì vị Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã phải ra “chắn gió” dư luận một cách muộn mằn.
Nhưng đến lúc này thì xin lỗi để làm gì, đại biểu Dương Trung Quốc bức xúc đặt câu hỏi trên tờ Người Lao Động ngày 23/10. Giờ người dân quan tâm đến việc tư lệnh ngành sẽ đắp vá y đức, y thuật, y đạo đến đâu. Và với một loạt sai phạm phản ánh lỗi quản lý ngành nghiêm trọng như vậy, thì liệu bà Bộ trưởng có nên dùng lòng tự trọng để từ chức không, tờ Petrotimes ngày 25/10 lặp lại lời đề xuất vốn đã từng xuất hiện trên một bản kiến nghị thu hút hàng ngàn chữ ký của người dân sử dụng Facebook từ tháng 7 đến nay. Tờ báo so sánh, văn hóa từ chức có ở nước ngoài mà sao ở nước ta lại xa lạ. Rồi nếu cứ lấp liếm tìm cách đổ tội cho những nguyên nhân hoàn cảnh khách quan thì bao giờ mới ngăn được nạn tiêu cực không chỉ riêng ở ngành y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác? Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời. Bởi nếu có du nhập cả văn hóa từ chức về nước ta thì với lỗi quản lý ngành, với luật pháp không nghiêm, hoạt động giám sát không minh bạch tiền hô hậu ủng cho sự lấp liếm, thì từ chức cũng chỉ là biện pháp hạ cánh an toàn. Vừa có tiếng thơm mà chả cần ai phải giục.
An Huy