THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 October 2013

Những cái túi nước nổi giận!

C140456_td-song-tranh-305.jpg
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.
File photo

Viết Từ Sài Gòn - 2013-10-25

Tức nước vỡ bờ

Ông bà có câu “tức nước vỡ bờ”. Câu này ám chỉ về tâm lý và đối nhân xử thế, đừng để chuyện gì vượt quá giới hạn chịu đựng của đối phương cho dù đối phương đứng ở vị trí nào chăng nữa, cũng phải biết giữ trung dung… Nhưng không, trong hiện tại, chuyện tức nước vỡ bờ là chuyện rất cụ thể, không ám chỉ, không bóng bẩy mệt đầu như thời xưa đâu. Chỉ cần nói ‘tức nước vỡ bờ” thì lo mà cuốn gói, co giò chạy trối chết, nếu không chạy thì chết, nếu không tin, nhìn lại gần một ngàn cái túi nước treo khắp Việt Nam với cái tên khá mĩ miều “đập thủy điện” thì sẽ hiểu ngay!
Tỉnh Bình Dương là một tỉnh được mệnh danh là an toàn nhất Việt Nam, ít có thiên tai nhất Việt Nam, thậm chí, đọc lại lịch sử, dường như tỉnh này có cái tên Bình Dương cũng vì đặc điểm ít thiên tai, hiền hòa của nó. Cũng chính vì đặc điểm này mà rất nhiều khu công nghiệp mọc lên ở đây, mảnh đất này mau chóng trở thành trung tâm công nghiệp của quốc gia. Thế nhưng mấy ngày gần đây, tin huyện Bến Cát, Bình Dương bị ngập lụt làm cho không ít người hoang mang.
Nói đến hoang mang thì người Việt có cả ngàn lẻ một lý do để hoang mang, sống trên đất nước cờ đỏ sao vàng này, nếu không biết hoang mang thì e rằng chưa biết làm người. Nhưng mà hoang mang vì lũ lụt thì chuyện hơi hiếm. Vì người Việt vốn quen với thiên tai, thậm chí người Tây Nam Bộ sống chung với lũ chẳng khác nào người miền Trung sống chung với bão lụt. Chuyện ngập lụt có gì là lạ, có gì mà hoang mang?
Nhưng mà lạ đấy, vì lụt thường niên trước đây ở Tây Nam Bộ và Trung Bộ là lụt do thiên nhiên gây ra, có thể dữ dội, ngập nhà cửa, ruộng đồng, cũng có thể lụt vừa phải, mang một lớp phù sa về đắp thêm cho đồng ruộng, giúp cho mùa màng bội thu. Nhưng đó là chuyện xưa rồi, chuyện bây giờ, thiên tai lúc nào cũng kèm theo nhân họa, cái này mà không hoang mang mới là lạ!
Nếu như trước đây, việc lụt lội chỉ đơn thuần do nước ở thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, trán vào ruộng đồng, ngập nhà ngập cửa, họa hoằng lắm mới có trận lụt năm Thìn 1964, lở núi Cà Tang ở Quảng Nam, cuốn mất một ngôi làng dân tộc thiểu số người Tà Ôi. Nhưng khi tìm hiểu kĩ, thì hiểu ra cũng do nhân họa, vì núi Cà Tang bị người thiểu số ở đây đốt rừng dẫn đến cháy trụi, trơ đất trống đồi trọc, đến mùa mưa, nguyên một quả núi lở lói khiến cho ngôi làng Tà Ôi trôi tuột xuống dòng nước xoáy, mất dấu.

30 mét khối nước/người

Bây giờ, trung bình mỗi người dân miền Trung đang mang trên đầu mình hơn 30 mét khối nước. Chỉ riêng Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, nếu chia bình quân đầu người của gần 14 triệu dân cho 70 hồ đập thủy điện lớn, nhỏ với dung lượng từ vài trăm triệu khối đến vài tỉ khối (trong tình trạng nước ổn định, những lúc cần xả đập thì nước lên cao gần gấp ba lần ổn định) thì mỗi người dân phải chịu hơn 50 khối nước treo lơ lửng trên đầu. Thử hình dung với một dải đất tương đối hẹp, một bên là núi rừng, hồ chứa và một bên là biển, khi 50 khối nước đó đồng loạt xổ xuống đầu từng người dân thì cái biển nước miền Trung sẽ ra sao?
binh-duong-1-250.jpg
Nhiều khu vực ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương bị ngập sâu đến 1,5m hôm 19 tháng 10. Courtesy vov.
Và người dân hoang mang khi nghe tin ngập lụt Bình Dương là hoàn toàn tỉnh táo, sự hoang mang này không phải là sự mất bình tĩnh hoặc sự dao động của người thiếu hiểu biết mà đây là sự phân tích, tính toán kĩ lưỡng, “trông voi mà soi mình”, trông người mà ngẫm đến ta. Một xứ sở vốn không bao giờ biết thiên tai, ngập lụt là gì, thế mà đùng một cái, lụt xối xả, người dân không kịp dọn đồ, tài sản trôi, heo gà chết, người người vật vã, khóc lóc… Thử hỏi, làm sao mà dân các miền quen chịu thiên tai không thấy lo?
Riêng miền Trung, thiên tai mỗi năm đã ngốn vài chục mạng người, có năm lên cả trăm mạng người, nhà cửa, tài sản mất đi con số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đó chỉ mới là thiên tai, còn nhân họa thì miễn bàn, vì với kiểu xây dựng rút ruột tận cùng, triệt để hiện nay, cứ mỗi công trình mọc lên thì các quan tỉnh, quan huyện giàu ra, trơn da láng thịt… Thử hỏi, có bao nhiêu cái hồ chứa, bao nhiêu cái đập thủy điện đảm bảo an toàn và tin chắc là không bị vỡ? Và với kiểu làm việc tắc trách, vô lương tâm, người trực cống xả mà uống rượu say, đợi đến khi nước vượt ngưỡng thì xả vô tội vạ, làm trôi cả một thôn như trận lũ năm 2010 ở Đại Lộc, Quảng Nam, do thủy điện A Vương xả đập khối lượng quá lớn dẫn đến ngập lụt, bùn non dày cả mét… Như vậy, người dân làm sao dám tin là mình an toàn?
Và một khi có cả chục cái thủy điện móc trên một nhánh sông, hệ quả của nó sẽ là các thủy điện này thi nhau tích nước vì nguy cơ khan hiếm nước có thể diễn ra, thậm chí sẽ có tranh giành trong việc tích nước. Tích cho nhiều, đến khi có báo động đỏ, mưa lũ kéo về thì mạnh ông nào ông nấy xả, vì sợ vỡ đập (bởi hơn ai hết, các ông này thừa biết mối nguy vỡ đập do xây dựng không đạt chất lượng, do rút ruột, chung chi cho các cấp…). Cuối cùng, khi mà hàng chục cái thủy điện đồng loạt xả nước trên một con sông để cứu lấy mình thì chắc chắn là phải có một vài ngôi làng chịu trận, mất dấu, hy sinh cho công cuộc cứu thủy điện của họ. Người dân bao giờ cũng là người chịu rủi ro đầu tiên và nhận may mắn cuối cùng, chịu thiệt thòi tiên phong và nhận quyền lợi cuối cùng (nếu có!).
Đến đây, có lẽ không cần bàn thêm về nỗi hoang mang của nhân dân khi nghe tin ngập lụt ở Bình Dương. Vấn đề cần bàn là tức nước vỡ bờ. Như chuyện những cái túi nước nổi giận trên đầu nhân dân đã đi vào hiện thực thì bao giờ những cái túi nước bất bình trong nhân dân sẽ đổ xòa xuống? Chuyện này nghe ra có mối tương quan, liên hệ giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của nó – tức nước vỡ bờ!
*Bài viết trích từ trang blog Viết Từ Sài Gòn. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA