THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 October 2013

Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Phan Thị Bích Hằng có lúc đúng, lúc sai



(Soha.vn) - Theo phân tích của nhà báo Phạm Ngọc Dương, số nhà ngoại cảm thực sự có khả năng của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.


PV: 
Là 1 nhà báo có quá trình nghiên cứu về ngoại cảm trong thời gian khá dài, anh nhận xét thế nào về thực trạng hiện tượng ngoại cảm của nước ta?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Tôi đã có hơn chục năm nghiên cứu về hiện tượng ngoại cảm. Tôi cũng quen biết hầu như tất cả những nhà ngoại cảm nổi tiếng của Việt Nam: Phan Thị Bích Hằng, cô Năm Nghĩa, Nguyễn Khắc Bẩy... Tôi cũng có quá trình đi theo để tìm hiểu thực tế công việc tìm mộ của họ.
Tôi thấy, có 3 xu hướng: Có 1 số ít những nhà nghiên cứu về ngoại cảm có xu hướng nghiêm túc, khách quan về vấn đề này. Chiều hướng thứ 2 là những người càng nghiên cứu sâu họ càng đi sai hướng và đắm chìm vào các vấn đề tâm linh. Một số ít thì ban đầu tin vào ngoại cảm, nhưng càng về sau họ càng phát hiện ra thực chất đây là 1 vấn đề huyễn hoặc, thiếu chính xác nhưng vì 1 lý do nào đó, họ vẫn bỏ qua cho các sai phạm của những “nhà ngoại cảm”.
Trên thực tế, không có “nhà ngoại cảm nào” được cấp phép và cũng không có cơ quan nào được quyền cấp phép cho những “nhà ngoại cảm”.
PV: Trên thực tế, đã có rất nhiều những sai phạm của các “nhà ngoại cảm” như: Bốc nhầm mộ, thậm chí là nhầm xương người với xương động vật, rồi hiện tượng áp vong về cả làng bị điên loạn... Nhưng tại sao người ta vẫn tin vào những “nhà ngoại cảm” khiến cho hiện tượng này ngày càng diễn biến phức tạp?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Khi người ta quyết định nhờ đến “nhà ngoại cảm” để tìm mộ, tìm hài cốt người thân, nghĩa là người ta đã phải đặt niềm tin hoàn toàn vào người đó. Nếu không có niềm tin, chắc chắn “nhà ngoại cảm” sẽ không chấp nhận tìm mộ, và công cuộc tìm kiếm cũng sẽ không thành công.
Phần lớn những gia đình nhờ “nhà ngoại cảm” tìm mộ thường không xét nghiệm ADN. Nguyên nhân lớn nhất là vì họ đặt niềm tin vào “nhà ngoại cảm”, và 1 phần vì họ không có đủ điều kiện cũng như sự hiểu biết để tiến hành làm các xét nghiệm, giám định pháp y. Tuy nhiên, những trường hợp đem đi xét nghiệm, hầu hết là sai.
Về phía chính quyền, nhiều nơi cũng có sự ngăn cản hoạt động tìm mộ, áp vong. Tuy nhiên, ở 1 số địa phương, chính quyền chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề, thêm vào đó, những “nhà ngoại cảm” lại đang là cộng tác viên, hoặc đang là chủ của 1 đề tài nghiên cứu tâm linh. Vì thế, chính quyền đã bị lừa rằng họ có tư cách pháp nhân để tiến hành tìm kiếm mộ hay áp vong. Các nhà ngoại cảm thực ra chỉ là đối tượng của đề tài nghiên cứu nào đó, chứ họ không có tư cách pháp nhân để đi tìm mộ, hay không có thứ giấy gì chứng nhận họ là nhà ngoại cảm. Ngay từ “nhà ngoại cảm” cũng chỉ là cách để gọi chung chung những người đi tìm mộ liệt sỹ mà thôi.
PV: Bản thân anh là người có thời gian dài nghiên cứu về lĩnh vực này, thậm chí anh còn có quá trình thực nghiệm cùng những “nhà ngoại cảm” nổi tiếng của Việt Nam, anh đánh giá như thế nào về khả năng thực sự của các “nhà ngoại cảm” Việt Nam?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Tôi đồng tình với quan điểm của nhà thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, chỉ có khoảng 3% cuộc tìm mộ của các “nhà ngoại cảm” cho kết quả chính xác.
  Nhà báo Phạm Ngọc Dương.
Nhà báo Phạm Ngọc Dương.
Những thông tin đặc biệt về Phan Thị Bích Hằng và ngoại cảm (cập nhật liên tục)
Toàn bộ thông tin vụ việcBẤM VÀO ĐÂY
PV: Chỉ có 3%? Nghĩa là có rất nhiều vụ tìm mộ bị nhầm lẫn?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Rất nhiều! Ngay như Phan Thị Bích Hằng cũng có rất nhiều vụ sai lầm mà tôi phát hiện ra. Cụ thể như vụ tìm kiếm mộ tổ họ Vũ là bà Nguyễn Thị Đức – người lấy ông Vũ Hồn và là tổ mẫu của dòng họ Vũ (Võ). Tuy nhiên, theo như gia phải họ Vũ, bà Nguyễn Thị Đức đã chết từ thế kỷ 9, tức là cách nay ngót 1.200 năm, từ khi đất nước ta nằm dưới chế độ Bắc thuộc.
Vào thời điểm 1.200 năm trước, nước ta còn trong thời kỳ Bắc thuộc, dưới sự thống trị của nhà Đường. Người dân thường chỉ chôn bó chiếu, còn quan chức, người giàu nhà Hán thì được chôn bằng mộ Hán (hay còn gọi là mộ vòm), hoặc mộ gỗ hình cũi.
Nhưng theo lời người phu đào mộ, ngôi mộ mà chị Bích Hằng chỉ lại là 1 ngôi mộ có xác ướp, quan tài bằng gỗ ngọc am rất thơm. Như vậy, đây là loại mộ hợp chất, nghĩa là kiểu mộ “trong quan ngoài quách”, có xác ướp. Và loại mộ này chỉ có thể xuất hiện vào thời Hậu Lê cách nay khoảng 500 năm. Chưa cần tới những nhà nghiên cứu, chỉ cần có 1 chút kiến thức về khảo cổ là có thể biết được chị Bích Hằng đã lầm.
Vụ thứ 2 là đi tìm mộ của danh tướng Lý Thường Kiệt. Theo như lịch sử, thời Lý Thường Kiệt sống, đất nước theo đạo Phật nên thường hỏa táng, hoặc nếu không sẽ chôn trong mộ cũi. Tuy nhiên, trong lịch sử khảo cổ nước ta chưa từng phát hiện 1 ngôi mộ nào ở thời kỳ này còn hài cốt, thậm chí đến còn quan tài đã là hiếm.
Trong khi đó chị Bích Hằng lại chỉ 1 ngôi mộ xác ướp, còn gọi là mộ hợp chất. Như vậy là sai. Vụ tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên chỉ là một trong rất nhiều sai sót của ngoại cảm, cũng như của chị Hằng.
Tất nhiên, không phải những vụ đi tìm mộ của chị Bích Hằng đều sai. Tôi đánh giá chị Hằng có công rất lớn trong vụ đi tìm mộ nhà văn Nam Cao, mà đã được kiểm chứng bằng ADN, hoặc như vụ tìm được hài cốt của hơn 400 liệt sĩ ở cánh rừng K'Nác, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai và giúp phục dựng lại trận đánh này. Trong vụ tìm 400 hài cốt ở K’Nak, toàn là mộ tập thể, nên tôi tin chắc không thể xác định được xương của người này, người kia, nhưng việc tìm lại được phần mộ các liệt sỹ hy sinh anh dũng bị lịch sử lãng quên, cũng là điều đáng trân trọng.
Theo quan điểm của tôi, không thể vì một số vụ sai lầm củaPhan Thị Bích Hằng mà khẳng định là chị ấy lừa đảo, thất đức... Nếu chị Hằng biết rõ ràng đây là xương động vật, nhưng vẫn cố tình lừa đảo thì mới là thất đức, vô lương tâm. Đằng này, chị ấy chỉ dẫn qua điện thoại, có tận mắt đâu mà biết là xương người hay xương lợn. Thêm vào đó, Phan Thị Bích Hằng không dại gì để đi lừa đảo kiếm tiền ở gia đình một khai quốc công thần của nước ta.
  Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
PV: Theo anh, ở Việt Nam, có bao nhiêu “nhà ngoại cảm” thực sự có khả năng?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Về số lượng những “nhà ngoại cảm” có khả năng thực sự của Việt Nam, tôi nghĩ đếm chưa hết 10 đầu ngón tay.
PV: Thực sự có khả năng, nhưng tại sao họ vẫn tìm sai mộ? Và những vụ sai thì nhiều hơn đúng?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Theo những nhà nghiên cứu thần kinh học, hiện tượng ngoại cảm cũng là 1 trạng thái của tâm thần, hoang tưởng. Khi những “nhà ngoại cảm” rơi vào trạng thái vô thức, hay mất ý thức tạm thời, họ cũng giống như người bị hoang tưởng, bị ảo thanh, ảo thị, ảo vọng, ảo giác, mọi thứ đều là ảo. Họ sẽ nghe thấy âm thanh trong đầu, nhìn thấy 1 người nói rằng tôi là liệt sĩ, tôi đang nằm ở đây, ở kia...
Khi đó, tiềm thức đã chiếm lĩnh ý thức. Có thể, từ những thông tin mà “nhà ngoại cảm” vô tình thu thập được qua sách báo, qua lời gia đình liệt sĩ trò truyện... tiềm thức đã vẽ lên những hình ảnh sinh động như thật.
Như vậy, có thể chính bản thân “nhà ngoại cảm” cũng bị lừa bởi trạng thái vô thức. Từ đó, mọi người cũng bị lừa theo vì họ quá tin tưởng vào “nhà ngoại cảm”.
Tôi đánh giá Phan Thị Bích Hằng là một trong những nhà ngoại cảm tạm cho là chân chính. Còn phần lớn các “nhà ngoại cảm” bây giờ toàn là phường lừa đảo, lợi dụng niềm tin để trục lợi, kiếm tiền trên xương máu của các anh hùng liệt sỹ và nỗi đau của người thân. Đáng lên án hơn nữa là một số nhà khoa học, dù có trí tuệ, có vị trí cao, có đức độ, song đã cố ý tiếp tay cho hành động lừa đảo của những kẻ trục lợi tâm linh này
.