Trung Quốc đột ngột gia tăng nhập khẩu gạo
Ngày 24/10, ông Trương Thanh Phong,
chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng phải thừa nhận: “Nếu
không nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tình hình xuất khẩu gạo
năm nay chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì”.
Ông Phong nói: "Năm nay, từ chỗ thừa
lương thực đã dẫn đến giá gạo thế giới trong những tháng vừa qua tụt
giảm rất nghiêm trọng, đặc biệt là Thái Lan. Gạo 5% B cùng kỳ năm trước
của Thái Lan bán ra ở mức 565 USD/tấn nhưng nay chỉ còn 430 USD; các
nước như Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam cũng sụt 10 – 20%.
Chính vì giá gạo Thái Lan sụt giảm quá
mạnh đã kéo mặt bằng giá gạo xuất khẩu ở các nước xích lại gần nhau
hơn. Điều này càng làm tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam
phải rất cố gắng tìm kiếm, giành giật từng thị trường, từng khách hàng,
nhiều lúc phải chấp nhận bán giá thấp, bán lỗ để có hợp đồng.
Ông Trương Thanh Phong. |
Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy,
rất may là năm nay Việt Nam có thêm thị trường Trung Quốc nhập khẩu với
số lượng khá lớn.
Theo thống kê của VFA, từ đầu năm đến
nay, Trung Quốc đã mua khoảng 3 triệu tấn gạo của Việt Nam (tăng nửa
triệu tấn so cả năm 2012), trong đó có 1,8 triệu nhập qua đường chính
ngạch, 1,2 triệu tấn còn lại theo đường tiểu ngạch.
Như vậy, đến thời điểm này lượng gạo
xuất sang Trung Quốc chiếm hơn phân nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Việt
Nam (mười tháng đầu năm khoảng 5,5 – 5,6 triệu tấn)".
Lo ngại khi phụ thuộc vào Trung Quốc
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, Việt Nam đã nhận nhiều quả đắng khi
phụ thuộc vào phía đối tác Trung Quốc. Ví dụ trong việc xuất khẩu thanh
long. Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến hàng trăm xe thanh long
xuất khẩu đang bị ứ hàng tại cửa khẩu Tân Thanh không thể tiêu thụ và
chuẩn bị bước vào giai đoạn phân hủy.
Tại các địa phương chuyên xuất khẩu thanh long theo đường tiểu
ngạch sang Trung Quốc giá hàng cũng đang giảm thảm hại khiến người trồng
và thương lái thiệt hại nặng nề.
Tại Ninh Thuận, nơi 90% sản lượng thanh long thành phẩm đều được
xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc thì thương lái
nước này đã thao túng hoàn toàn thị trường, giá cả thu mua đều do họ
định đoạt.
Tình trạng trên cũng xảy ra ở Tiền Giang, thương lái Trung Quốc
thường xuyên điện thoại đặt mua thanh long với giá cao, nhưng khi giao
hàng bên mua luôn chê bai, dìm giá, ép giảm giá 30-40% nhưng thương lái,
nông dân Việt vẫn phải bán do không thể vận chuyển thanh long trở lại
và không tìm được nơi tiêu thụ tại thị trường Việt.
Trước đó vào tháng 5 năm nay, khi thương lái Trung Quốc đột ngột
ngừng thu mua dưa hấu đã khiến giá dưa tại ĐBSCL giảm đột ngột từ 8.000
xuống chỉ còn 1.300 đồng đến 2.000 đồng/kg song vẫn khó bán. Nhiều xe
dưa tại cửa khẩu đã phải đổ hàng đi do không bán nổi vì bị hư hỏng. Vì
vậy những nông dân nơi đây dù có được mùa dưa mà vẫn… đắng ngắt.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nói: "Việc bị từ chối hợp đồng nhất là đối với các đối tác Trung Quốc như một mánh khóe để ép giá đã từng xảy ra.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều
trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu người nông dân của mình trồng
sắn rồi chặt ra khoảng 30 cm phơi khô đế xuất khẩu sang Trung Quốc
nhưng sau đó họ lật lọng không mua hàng thì người nông dân phải chịu".
Huyền Hồ (Tổng hợp SGTT, Phunutoday, ĐVO)