(Kinh tế) - Vinatex đã hoàn thành những bước cuối cùng để tiến hành IPO.
Vinatex đang hoàn tất những bước cuối cùng cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý 4-2013. Đến hết tháng 9-2013, Vinatex có doanh thu đạt hơn 33.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỉ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc Vinatex Trần Quang Nghị cho biết cùng với việc IPO, cơ hội sẽ mở ra cho ngành dệt may VN nói chung và Vinatex nói riêng khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký kết trong thời gian tới. Ông Nghị nói:
- Hiện Vinatex đã làm xong những phần việc quan trọng như xác định giá trị doanh nghiệp, xác định số lượng các nhà đầu tư, cổ đông chiến lược đang quan tâm tiến trình IPO, cũng như phương án sau cổ phần hóa và chiến lược phát triển đầu tư của Vinatex.
Với trách nhiệm bảo tồn và phát triển vốn nhà nước trong bối cảnh nguồn vốn của Vinatex khá nhỏ so với các tập đoàn khác, nên việc IPO của Vinatex ít nhiều tạo được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa và hiện còn khoảng năm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong tập đoàn sẽ tiến hành cổ phần hóa với Vinatex trong năm nay. Riêng việc thoái vốn ở các dự án đầu tư ngoài ngành, chúng tôi cũng đã thoái vốn xong tại bảy doanh nghiệp ngoài ngành, với tổng số tiền thu được trên 153 tỉ đồng, và lộ trình thoái vốn của Vinatex sẽ tiếp tục đến năm 2015. Tôi cũng xin nói thêm là đầu tư ngoài ngành của Vinatex chỉ ước hơn 200 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 7% trên tổng vốn chủ sở hữu của Vinatex và đã được thoái vốn gần hết.
* Sau rất nhiều đồn đoán, ở thời điểm này ông có thể chia sẻ thông tin gì về đối tác chiến lược của Vinatex, thưa ông?
- Hiện có khá nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài quan tâm đến việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinatex. Nhưng tôi vẫn chưa thể công bố thông tin này vì biết đâu phút cuối có thể xảy ra bất ngờ!
Quan điểm đầu tư của Vinatex cũng được xác định trong 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ tăng tốc cho phần đầu tư nguyên liệu nhằm đón đầu TPP. Và cũng vì xác định dành toàn bộ nguồn lực cho đầu tư, thậm chí có thể sử dụng phần lợi nhuận của tập đoàn để rót vào đầu tư trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hỗ trợ khiêm tốn, nên việc tìm cho được những nhà đầu tư nào chấp nhận đi với Vinatex bằng con đường dài hơi, lâu dài cũng không dễ. Chưa kể như vậy sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư về lợi nhuận trong khoảng thời gian này.
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải lựa chọn, phân tích, giới thiệu cho nhà đầu tư hiểu rằng khi họ đầu tư vào Vinatex sẽ nhận được sự quản trị minh bạch, nghiêm túc, có trách nhiệm với đồng vốn của nhà đầu tư. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh đến việc đã và đang tích cực đổi mới cũng như tăng cường quản trị và cân nhắc rất kỹ chiến lược đầu tư phù hợp theo mô hình của tập đoàn.
Chúng tôi xác định rất rõ khi nào thì cần đầu tư ngắn hạn để có thể khai thác, tạo ra được dòng tiền và lợi nhuận hợp lý, cũng như cẩn trọng cân nhắc tỉ lệ đầu tư hợp lý cho đầu tư nguyên liệu. Tất nhiên, nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận mà không tập trung vào đầu tư nguyên liệu thì cũng không biết khi nào mới rút ngắn khoảng cách giữa gia công với những loại hình sản xuất mang lại giá trị thặng dư cao hơn.
* Theo ông, giá của Vinatex khi IPO sẽ là bao nhiêu? Liệu ông có e ngại IPO của Vinatex rơi vào tình trạng bị… ế hay không?
- Giá của Vinatex trên “một chấm” hay dưới “một chấm”, tôi cho rằng đó là một ẩn số.
Thực tế cho thấy đây không phải là thời điểm thuận lợi của thị trường chứng khoán, nguồn vốn của nhà đầu tư cũng không mạnh, và số lượng nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư đường dài cũng không nhiều. Thế nên giá của Vinatex là bao nhiêu, tôi cũng không thể nói trước được điều gì.
Cũng có nhiều kiểu “ế”. Ế là vì nhà đầu tư có thể không tin tưởng vào chiến lược của Vinatex, hoặc kiểu ế thứ hai là nghi ngờ khả năng quản trị của chúng tôi. Và cũng có thể có nhà đầu tư dù hết sức tin tưởng chúng tôi nhưng do có quan điểm đầu tư khác với Vinatex nên cũng không thể chọn con đường đi chung được.
Nhưng tôi tin rằng với những nỗ lực của chúng tôi trong thời gian qua, khả năng “ế” của Vinatex sẽ thấp. Ngoài tỉ lệ 51% cổ phần nhà nước nắm giữ, chúng tôi hi vọng sẽ chào bán thành công từ 30-40% trong tổng hạn mức 49% tỉ lệ cổ phần được chào bán ra ngoài nếu Chính phủ cho phép, trong đó tỉ lệ nhà đầu tư chiến lược nắm giữ sẽ không vượt quá 50% trong tỉ lệ được phép bán ra bên ngoài của tập đoàn.
* Cảm ơn ông.
(Tuổi Trẻ)