ĐẤT VIỆT- 25/10/2013
Đã đến lúc Quốc hội cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” về ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến xét duyệt, quyết định, phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương, bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu quả của đồng tiền do người dân đóng góp.
Thu ngân sách quá cao so với GDP và không bền vững
Tại buổi họp báo hôm 10-10-2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết mọi năm, thu ngân sách chín tháng thường đạt 80% dự toán, năm nay chỉ đạt 66,6%. Dự báo khả năng thu ngân sách năm 2013 không đạt được như dự toán. Trong khi đó, theo bà Mai, chi ngân sách vẫn không ngừng tăng, đặc biệt là chi phát triển sự nghiệp, chi quản lý hành chính. Có lẽ đã đến lúc cần một cuộc đại phẫu với ngân sách nhà nước.
Là một nước nghèo mới vượt qua ngưỡng “nước thu nhập thấp”, nhưng từ lâu Việt Nam đã có tỷ lệ thu ngân sách trên GDP cao nhất khu vực, cao hơn rõ rệt so với những nước giàu có hơn nước ta.
Mặc dù là nước có GDP tính theo đầu người thấp nhất nhưng Việt Nam có tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao nhất và tỷ lệ bội chi ngân sách cao nhất so với các nước trong khu vực. Nếu cộng khoản thu với khoản bội chi ngân sách thì tỷ lệ chi ngân sách của Việt Nam lên đến 32,6% GDP, hơn gần gấp đôi Philippines là nước có GDP/đầu người cao hơn hẳn nước ta.
Tỷ lệ thu ngân sách của nước ta cao bằng tỷ lệ thu ngân sách của các nước có thu nhập trung bình, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi so với nước ta.
Tính công khai minh bạch về ngân sách của Việt Nam được quốc tế đánh giá thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ được 19/100 điểm.
Thu ngân sách quá cao gây sức ép nặng nề lên khu vực doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp dân doanh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoản thu này chiếm đến 34,5% thu nhập của doanh nghiệp. Thời gian nộp thuế của các doanh nghiệp Việt Nam lên đến 872 giờ/năm, xếp hạng 138/185 nền kinh tế (theo WB, 2013), làm cho chi phí về thời gian của doanh nghiệp cũng rất cao (1).
Nghị quyết của Quốc hội (68/2006/QH11 ngày 31-10-2006) cho phép không đưa thu xổ số vào cân đối ngân sách địa phương nhưng được quản lý qua ngân sách nhà nước. Khoản thu này chiếm từ 30-50% nguồn thu tại chỗ của địa phương, song không được hội đồng nhân dân quyết định trong cân đối ngân sách. Tương tự như vậy, nguồn thu từ trái phiếu chính phủ do không chắc chắn sẽ huy động được bao nhiêu nên cũng không được đưa vào cân đối ngân sách do Quốc hội duyệt.
Trong 10 năm qua, Quốc hội đã cho phép lập 70 quỹ tài chính nhà nước các loại (quỹ bình ổn giá, quỹ cổ phần hóa...), trong đó có khoảng 40 quỹ đang hoạt động. Hiện có khoảng 30 quỹ đang còn tồn một số vốn không nhỏ chưa chi hết trong khi ngân sách vẫn tiếp tục bội chi mà ngân sách chưa điều hòa được.
Tính công khai minh bạch về ngân sách của Việt Nam được quốc tế đánh giá thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ được 19/100 điểm.
Ngoài nguồn thu chính thức vào ngân sách nhà nước, theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, khoảng 65% doanh nghiệp cho biết họ phải tốn chi phí không chính thức khá lớn để “bôi trơn” các thủ tục hành chính trong kinh doanh. Cộng tất cả khoản thu chính thức và phi chính thức thì bộ máy nhà nước của nước ta có tỷ lệ chi rất lớn so với GDP.
Chi hành chính quá lỏng lẻo với chế độ sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài, chiêu đãi... quá lãng phí trong khi ngân sách địa phương vẫn xin trung ương trợ giúp là những nghịch lý đáng buồn.
Trong khi có tình trạng thu phi chính thức và thuế suất cao hơn mức trung bình của khu vực thì tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên (khai mỏ, khai thác gỗ...), thu để ngăn chặn đầu cơ bất động sản, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và ngăn chặn các hiện tượng chuyển giá, thu từ các thu nhập chưa được kê khai còn bị thất thu rất lớn. Tình trạng đó góp phần dẫn đến bất bình đẳng về thu nhập tăng mạnh, dẫn đến bất công xã hội tăng lên.
Điều đáng chú ý là chênh lệch giữa dự toán ngân sách và thực thu ngân sách chênh lệch quá lớn, có năm thực thu ngân sách vượt dự toán đến trên 60%, làm cho quyết định của Quốc hội về dự toán ngân sách cách biệt rất xa so với thực tế.
Trong khi quốc hội các nước kiểm soát chi tiêu của chính phủ rất chặt chẽ đến từng khoản mục, gắn liền với hiệu quả phải đem lại khi chi tiền của dân thì trong thực tế vai trò của Quốc hội nước ta về giám sát ngân sách nhà nước còn thiếu cụ thể, thậm chí mang tính hình thức.
Trong thực tế, các đại biểu Quốc hội cho biết Chính phủ thường ứng trước ngân sách cho năm sau, phân bổ ngân sách cho các địa phương trước khi trình Quốc hội phê duyệt.
Trong các nguồn thu ngân sách, khoản thu từ đất và dầu thô hiện đã giảm sút rõ rệt, một số tỉnh như Đà Nẵng đã gặp khó khăn lớn về cân đối ngân sách do dựa quá nhiều vào nguồn thu không bền vững này. Với số doanh nghiệp tư nhân phá sản, đình chỉ hoạt động lên đến khoảng 150.000 doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng. Đến hết tháng 9-2013, thu ngân sách chỉ đạt 66,6% dự toán.
Không nên chỉ coi việc hụt thu này là hiện tượng nhất thời mà cần xem xét tình hình kinh tế một cách nghiêm túc do nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên không thể bền vững, để điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách/GDP về mức hợp lý hơn. Nền kinh tế đang ở trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, thu ngân sách cũng cần được điều chỉnh thích ứng cho phù hợp với tình hình kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chi ngân sách và quản lý ngân sách
Trong những năm gần đây, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng liên tục từ 65,4% (năm 2005) lên đến 77,1% (2012) trong khi chi cho đầu tư từ ngân sách lại giảm từ 34,6% (2005) xuống chỉ còn 22,9% (2012).
Chi quản lý hành chính đã tăng từ 8,2% (2005) lên đến 10,2% (2012), cao hơn hẳn so với chi y tế 6,4% (2012). Chi hành chính quá lỏng lẻo với chế độ sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài, chiêu đãi... quá lãng phí trong khi ngân sách địa phương vẫn xin trung ương trợ giúp là những nghịch lý đáng buồn.
Đáng lo ngại là tỷ lệ chi trả lãi nợ tăng rất nhanh từ 2,9% (2005) lên 5,1% tổng chi ngân sách (2012) và xu thế này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai do nợ công của Chính phủ tăng nhanh. Nhà nước thu thuế của dân thì phải mang lại lợi ích cho dân nhưng dịch vụ công như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội đều thấp về chất lượng và bị quá tải nặng nề.
Căn bệnh kinh niên của chi ngân sách là bội chi và thâm hụt ngân sách với tỷ lệ cao nhất khu vực.
Kỷ luật ngân sách rất lỏng lẻo và chậm được nâng cao thể hiện rõ rệt qua mức bội chi ngân sách rất cao và khoảng chênh lệch giữa thực chi và dự toán rất cao. Các địa phương đều báo cáo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của cả nước nhưng chỉ có 13/63 tỉnh, thành phố tự túc được ngân sách và có đóng góp với ngân sách trung ương.
TPHCM có tỷ lệ huy động cho ngân sách trung ương khoảng 39% tổng thu trong khi bản thân thành phố rất cần đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế tương ứng với trình độ phát triển của thành phố. Mặt khác, không ít tỉnh nghèo, nguồn thu chủ yếu dựa vào khoản điều tiết do ngân sách trung ương chuyển cho, vẫn xây trụ sở rất sang, chi tiêu thường xuyên khá lãng phí.
Nghịch lý lớn nhất là hệ thống này gây ra cơ chế xin-cho thiếu minh bạch và tâm lý ỷ lại của một số địa phương, không phát huy tính tự chịu trách nhiệm, năng động khai thác các tiềm năng phát triển của địa phương.
Tỷ lệ chi ngân sách địa phương trên tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng nhanh từ 37,9% (giai đoạn 1996-2000) lên đến trên 50% (giai đoạn 2009-2010) làm cho Việt Nam có tỷ lệ phân cấp ngân sách cho địa phương rất cao so với các nước trong khu vực.
Việc chấp hành kỷ luật thu - chi của các đơn vị rất thấp từ khâu lập dự toán đến quyết toán ngân sách. Tình trạng chi lãng phí, lạm dụng ngân sách diễn ra phổ biến, lâu dài và chậm được cải thiện (như chi đầu tư, chi đoàn ra - đoàn vào...) mà không có ràng buộc về hiệu quả đạt được.
Đã đến lúc Quốc hội cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” về ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến xét duyệt, quyết định, phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương, bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu quả của đồng tiền do người dân đóng góp.
TS Lê Đăng Doanh (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)