15 năm sau ngày ở tù oan, bà Đỗ Thị Lộc (SN 1954) mới được VKSND quận 1, TP HCM xin lỗi. Tuy nhiên, để đòi được số tiền bồi thường thiệt hại do oan sai là cuộc hành trình dài…
Chúng tôi tìm đến địa chỉ trong bản án sơ thẩm nhưng căn nhà khóa kín cửa. Điện thoại cho em gái bà Đỗ Thị Lộc mới biết bà đã chuyển về sống cùng người chị đầu ở quận Gò Vấp từ năm 2007.
“Không có tội sao lại chịu cảnh tù đày?”
Trong căn nhà dựng tạm bằng mái tôn và gạch đỏ chưa tô, bà Lộc nằm đăm chiêu trên chiếc giường tre ọp ẹp, đôi mắt chất chứa nỗi u uất. Thấy chúng tôi đến, bà nhờ người chị đỡ ngồi dậy, xúc động nói: “Tôi bệnh nằm một chỗ mấy năm, có người đến thăm, tôi mừng lắm”. Nụ cười chưa kịp tắt, bà bật khóc rồi nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về 170 ngày bị tù oan và hành trình 21 năm đi kiện đòi bồi thường oan sai.
Bệnh tật hành hạ triền miên khiến bà Lộc không còn nhớ rõ từng chi tiết về thời gian nên thỉnh thoảng phải nhờ người chị ruột là bà Đỗ Hữu Hạnh (SN 1953) trả lời giúp. Chắp vá từng mảnh sự kiện, câu chuyện của bà Lộc có thể tóm tắt như sau: Cha mẹ qua đời, để lại cho 4 chị em bà căn nhà trên đường Cô Bắc (quận 1). Không chồng con, bà được chị em tin tưởng giao đứng tên sở hữu căn nhà. Để có tiền mở rộng việc kinh doanh rau củ quả, 4 chị em bà quyết định thế chấp căn nhà, vay 32 triệu đồng. Buôn bán khó khăn, khách hàng quỵt tiền khiến họ lao đao, không trả nợ đúng hạn.
Bà Đỗ Thị Lộc kể về những ngày tháng bị bắt giam oan và hành trình đi kiện đòi bồi thường oan sai
Năm 1992, bà Lộc bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, VKSND quận 1 hủy bỏ lệnh tạm giam vào ngày 28-9-1992 và có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bà Lộc vào ngày 31-12-1992 do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
“Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được những ngày tháng bị giam trong trại. Tôi bị cao huyết áp, béo phì, đi đứng khó khăn do chân yếu nên suốt 170 ngày cứ nằm đó mà khóc. Tôi nghĩ mình không có tội, tại sao lại phải chịu cảnh tù đày? Tôi xin được trả nợ thay vì cưỡng chế căn nhà cha mẹ để lại nhưng không được đồng ý…” - bà Lộc vừa khóc vừa nói.
Kiện đòi bồi thường
Trước khi bị giam, mỗi ngày bà Lộc kiếm được 100.000 đồng, chưa kể đến lợi nhuận từ việc bỏ mối sỉ rau củ quả cho các cơ quan. Sau 170 ngày bị bắt giam trở về, việc kinh doanh gác lại, các mối quen bỏ đi, vốn liếng không còn. Hai năm sau khi được trả tự do, bà vẫn không tìm được việc làm trong khi bệnh tật ngày càng nặng.
Uất ức, bà yêu cầu VKSND quận 1 bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất nhưng cơ quan này trả lời: “Không nằm trong diện bồi thường”. Năm 2003, Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về “Bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” được ban hành, như người chết đuối vớ được cọc nhưng vì sức khỏe không cho phép, bà năn nỉ chị gái đem đơn đi kiện với mong muốn được minh oan và đền bù thiệt hại. Hành trình đi đòi công lý bắt đầu.
Sau những ngày tháng lặn lội, gõ cửa hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng, bà cũng được VKSND quận 1 đồng ý thương lượng việc bồi thường. Thế nhưng, việc thương lượng bất thành. Năm 2006, bà Lộc khởi kiện. Năm 2007, TAND quận 1 xử sơ thẩm buộc VKSND quận 1 bồi thường cho bà Lộc 8.468.538 đồng tiền tổn thất về tinh thần và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất; đồng thời, VKSND quận 1 phải tiến hành xin lỗi tại nơi cư trú của bà Lộc, đăng cải chính trên một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương trong 3 số liên tiếp. Bà Lộc kháng cáo. TAND TP HCM xử phúc thẩm bác kháng cáo.
15 năm sau ngày bị tù oan, bà Đỗ Thị Lộc mới được nhận tiền bồi thường, được xin lỗi và đăng báo cải chính. “Tôi bị bắt ở quận 1, có sự chứng kiến của đông đảo bà con hàng xóm nên cũng mong được xin lỗi ở nơi đó. Nhưng vào thời điểm năm 2007, tôi đã chuyển về sống cùng chị gái và nằm một chỗ nên chỉ được xin lỗi tại nhà với sự chứng kiến của mọi người trong gia đình…” - bà Lộc lại nghẹn ngào.
Về sau, cho rằng số ngày tạm giam không chính xác, bà Lộc tiếp tục nhờ người thân gửi đơn khiếu nại. Ngày 19-4-2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao tại TP HCM đã có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu. Năm 2012, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần 2 đã buộc VKSND quận 1 phải bồi thường thêm cho bà Lộc 14.897.000 đồng ngoài số tiền bà đã nhận.
Không đồng ý, bà Lộc làm đơn kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng tính lại thiệt hại tổn thất tinh thần và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, sức khỏe suy giảm… với tổng số tiền yêu cầu bồi thường thêm là 356.058.000 đồng...
Chấp nhận một phần kháng cáo
Ngày 24-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM nhận định cách tính số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất cho bà Đỗ Thị Lộc của cấp sơ thẩm chưa phù hợp. Do đó, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo, buộc VKSND quận 1 phải bồi thường thêm 28 triệu đồng ngoài số tiền bà Lộc đã nhận.
|
Bài và ảnh: Kha Miên