THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 October 2013

Tiền Giang: 19 trẻ nhập viện sau khi tiêm vacxin

Sáng ngày 26/10, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 19 trẻ nhập viện sau khi tiêm vacxin Quinvaxem. 
 
 
Trong đó huyện Cai Lậy 10 trẻ, Gò Công Tây 3 trẻ, Cái Bè 2 trẻ, còn các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông và TP Mỹ Tho mỗi nơi có 1 trẻ.
 
Ông Trần Thanh Thảo, quyền giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi trao đổi với Viện Pasteur TP.HCM, sở đã quyết định tạm ngưng tiêm vacxin Quinvaxem tại huyện Cai Lậy vì có khoảng 10 trẻ của huyện nhập viện theo dõi sốt sau khi tiêm.
 
Qua sàng lọc phát hiện có 1 trẻ ở huyện Cai Lậy sốt do bệnh viêm phế quản trước khi tiêm chủng. Sau khi nhập viện, các trẻ này được cho uống thuốc hạ sốt, lau mát, theo dõi sát. Đa số đã xuất viện tối 25/6. Hiện còn 6 trẻ đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.
 
Sở Y tế chỉ đạo tiếp tục tiêm chủng mở rộng ở các huyện còn lại trong ngày 26/10 và theo dõi sát các trường hợp đã tiêm.
 
Trước đó, Bình Định có 3 trẻ sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi phải nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vacxin “5 trong 1” Quinvaxem.
 
Ngày 29/12, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định cho biết, thành phố Quy Nhơn có 3 trẻ phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sau khi tiêm vacxin “5 trong 1” Quinvaxem, vì có những biểu hiện phản ứng thuốc.
 
Trong đó, 2 cháu bé có biểu hiện tím tái, khóc thét và một cháu bé có triệu chứng ngưng thở. Rất may, do được cứu chữa kịp thời nên các cháu đã qua khỏi cơn nguy kịch. 
 
Vacxin dùng để tiêm chủng cho 3 cháu bé trên thuộc lô vacxin phân về khu vực miền Trung và Tây Nguyên, số hiệu 1453077, có hạn sử dụng đến ngày 10-11-2015, khác với lô vacxin ở khu vực miền Bắc (trong đó có 3 trẻ ở tỉnh Nghệ An tử vong).
 
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, cho biết: “Sau vụ 3 trẻ nhập viện cấp cứu, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc tiêm chủng, tăng cường đảm bảo an toàn tiêm chủng, bảo quản vacxin và bơm tiêm kim; giám sát tại Trạm Y tế xã, phường 30 phút sau khi tiêm, đồng thời hướng dẫn người nhà tiếp tục theo dõi”.
 
 Thành phần ho gà vacxin dễ gây tai biến
 
Sau những sự cố liên tiếp liên quan đến vacxin 5 trong 1 Quinvaxem,  Cục Quản lý dược (bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng, trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm ngừng sử dụng vacxin "5 trong 1" Quinvaxem
 
 Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng cục Quản lý dược (bộ Y tế), cho biết quyết định ngừng sử dụng vacxin "5 trong 1" Quinvaxem được đưa ra dựa vào căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế...
 
Được biết, Hàn Quốc là nước sản xuất loại vacxin Quinvaxem cung cấp cho Việt Nam. Theo nhà sản xuất tại Hàn Quốc, Quinvaxem được cung cấp cho 91 quốc gia sử dụng từ năm 2006 với 427 triệu liều. 
 
Tuy nhiên, chính Hàn Quốc lại không sử dụng Quinvaxem vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vacxin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) dễ gây phản ứng cho cơ địa của trẻ.
 
 Liên quan tới vấn đề này, một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng cho rằng: "Giá của vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem rất rẻ trong khi giá của vắc xin tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào, tinh khiết hơn có giá bán lẻ lên đến 550.000 đồng/liều, gấp nhiều lần Quinvaxem. 
 
Chính vì thế nếu không dùng Quinvaxem thì Việt Nam cũng khó tìm được loại thay thế vì giá quá cao, không thật sự phù hợp với một nước đang trong quá trình phát triển như Việt Nam hiện tại?!
 
Bộ y tế khẳng đinh an toàn khi tiêm vacxin
 
Ngành y tế tỏ rõ quyết tâm đưa công tác tiêm chủng vào nề nếp, đảm bảo an toàn, không để những sự việc như vừa qua tái diễn. Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo siết chặt công tác tiêm chủng ở các bệnh viện sản, nhi.
 
Sáng 27/9 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Triển khai Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
 
Ngoài việc khẳng định “chất lượng vacxin đảm bảo”, Bộ trưởng Tiến đặc biệt lưu ý đến quy trình và công tác tập huấn cho cán bộ y tế tham gia tiêm chủng.
 
Theo bà Tiến, việc tập huấn là thường xuyên song đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này luôn có sự thay đổi, vì vậy, không phải tập huấn một lần là xong mà cần tập huấn đi tập huấn lại.
 
Bà Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các địa phương trong việc bảo đảm an toàn cho công tác tiêm chủng.
 
“Ngành y tế đảm trách vấn đề chuyên môn kỹ thuật, còn lãnh đạo các cấp ở địa phương cần vào cuộc cùng để quản lý, giám sát, đôn đốc”, bà Tiến nhấn mạnh.
 
Mặc dù liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra nhiều trẻ sơ sinh tử vong do tiêm vacxin, đặc biệt là vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vacxin viêm gan B tại Quảng Trị làm dư luận xôn xao. Nhưng các bác sỹ đầu ngành vẫn khuyên nên tiêm loại vắc xin này.
 
Trong lúc nhiều người vẫn còn băn khoăn, có nên tiếp tục tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ không? Ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, vẫn tiếp tục tiêm vacxin này cho trẻ.
 
BS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh rất cần thiết. Vấn đề này cũng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo và có đầy đủ tính khoa học.
 
“Việc tiêm hay không tiêm cho trẻ ngay sau sinh không phải là vấn đề bàn cãi. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi một trong 24 giờ đầu”, Bác sỹ Quyết nói.
 
Huyền Hồ (Tổng hợp)