THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 December 2013

Xả lũ xuống đầu dân: Nói hỗ trợ nghe..từ thiện quá!

ĐV- 04/12/2013   "Đầu tiên bản thân công văn đi đã không chuẩn rồi, nó trái với luật lệ làm việc. Chẳng lẽ cứ mỗi lần thủy điện xả lũ như thế tỉnh lại làm một cái công văn đề nghị hỗ trợ khi có thiệt hại thì rất vô lý", TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhận xét về công văn UBND tỉnh Quảng Nam gửi chủ đầu tư thủy điện Đăkmi 4.

PV: - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn đề nghị chủ đầu tư của thủy điện Đăkmi 4 là IDICO xem xét hỗ trợ cho một số hộ dân ở huyện Phước Sơn có nhà bị sạt lở sau trận mưa lớn ngày 14-15/11, kèm xả lũ của Đăkmi 4. Ông đánh giá động thái này thế nào?

TS Đào Trọng Tứ: - Tôi thấy ngạc nhiên quá, chưa từng thấy ở đâu cách làm việc ấy. Tại sao phải làm như thế? Đây không phải là vấn đề hỗ trợ, mà nghe cái từ này có vẻ từ thiện quá. Nếu thiệt hại được xác định rõ ràng và trách nhiệm thuộc về ai thì người đó phải chịu.

Bản thân tỉnh Quảng Nam đã biết được lượng xả lũ của thủy điện Đăkmi 4 thế nào, giờ cần ngồi lại với nhau để xác định lại xả lũ đúng hay sai, thậm chí, cả trong trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ theo đúng quy trình (mà chẳng biết thế nào là theo đúng quy trình) bởi thiệt hại ở đây là do xả lũ cộng với mưa lớn gây nên.

Trong công văn tỉnh Quảng Nam gửi chủ đầu tư Đăkmi 4 xác định rất rõ ràng: BQL dự án NM thủy điện Đăkmi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu (xã Phước Hiệp) có lúc lên đến 714m3/s và cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, nhất là xã Phước Hiệp, có bao nhiêu hộ bị sạt lở, bao nhiêu hộ bị ngập úng... Chúng ta chỉ không rõ rằng địa phương có biết thiệt hại này có phải do thủy điện thật hay không.

Vì thế, địa phương cùng các cơ quan có trách nhiệm quản lý và nhà máy thủy điện phải ngồi với nhau để xác định rất rõ ràng là trách nhiệm ở đâu, thuộc về ai thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chứ không phải là hỗ trợ. Hỗ trợ là một câu chuyện khác, đấy là trách nhiệm của Nhà nước.

Ngoài ra, việc đề nghị hỗ trợ làm kè nhiều tiền lắm chứ. Tôi đồ rằng không nhà máy, chủ đầu tư thủy điện nào lại nghĩ đến chuyện tự dưng bỏ tiền ra làm những công trình lớn như thế.
Nếu chủ đầu tư thủy điện bảo tôi xây, đóng thuế cho nhà nước, được sử dụng tài nguyên ấy, nếu sử dụng tài nguyên đúng luật pháp, việc gì tôi phải hỗ trợ cho ai thì làm thế nào?
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam.
Thủy điện Đăkmi 4 xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam.

PV: - Như vậy, phải chăng UBND tỉnh Quảng Nam đang nhầm lẫn về nhiệm vụ của mình: thay vì đi xin hỗ trợ như xin từ thiện lẽ ra họ phải xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn của người dân, nếu thuộc về thủy điện thì chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường?

TS Đào Trọng Tứ: - Chuyện ấy rất quan trọng. Nếu xác định rằng kể cả khi xả lũ đúng theo quy trình  nhưng do tác nhân ấy mà vẫn gây sạt lở thì rõ ràng trách nhiệm của nhà máy thủy điện là phải bồi hoàn, phải trả lại hiện trạng cũ.
Nguyên tắc của sử dụng nước là công bằng, hợp lý và không gây hại. Quốc tế đã quy định như thế rồi, nếu anh gây hại thì buộc phải bồi thường, chịu phạt, chưa nói đến trách nhiệm khác nữa.

Trong trường hợp này, về phía tỉnh Quảng Nam, PCT tỉnh đã ký công văn gửi đi. Không ai dại gì phản hồi, mà có khi cũng không ai thèm phản hồi. Đầu tiên bản thân công văn đi đã không chuẩn rồi, nó trái với luật lệ làm việc. Chẳng lẽ cứ mỗi lần thủy điện xả lũ như thế tỉnh lại làm một cái công văn đề nghị hỗ trợ khi có thiệt hại thì rất vô lý.

PV: - Trong các trường hợp lũ lụt, bao giờ chủ đầu tư của thủy điện cũng khẳng định đã xả lũ theo đúng quy trình. Bản thân chính quyền cũng thừa nhận chưa chứng minh được thủy điện sai. Vậy người dân bị thiệt hại do thủy điện xả lũ có quyền gì và nếu muốn bồi thường họ phải làm thế nào, thưa ông? 

TS Đào Trọng Tứ: - Họ phải kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước chuyên trách tập trung rà soát hệ thống thủy điện đang vận hành xem nó đem lại cái gì, gây nên tác động ra sao. Hiện nay có rất nhiều công cụ để xác định trách nhiệm ở đâu, tác động môi trường thế nào. Ở những vùng rất sát thủy điện, trong khi thủy điện xả lũ lớn như thế dứt khoát là có ảnh hưởng.

Giờ phải xem lại, tính từng phần, từng đoạn, từng khu vực một. Chứ bản thân người dân thấp cổ bé họng thì nói được gì?
Người dân bị thiệt hại có quyền đòi bòi thường nhưng chính quyền, nhà máy thủy điện nói rằng đây là do thiên tai, thành ra câu chuyện chính ở đây là sự công khai của vấn đề.
Rất nhiều người nói về câu chuyện giám sát cộng đồng nhưng giám sát cộng đồng mà không có tổ chức, không có công cụ, không có trí thức thì không làm gì được. Lúc ấy người dân chỉ biết trông chờ vào người bảo vệ mình, là chính quyền, những người có trách nhiệm. Còn giờ bảo người dân đi lên kiện nhà máy thủy điện thì ai biết thế nào mà kiện?

Như vụ Công ty CP Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa chôn thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân thấy được năng lực họ có thể làm được, họ tự tổ chức chứ không cần ai. Hay nhà máy gây ô nhiễm, không thích thì người ta ra chặn. Nhưng trong trường hợp này rất khó bởi đây là vấn đề quá lớn, chính quyền phải thấy chuyện dân khổ như thế để chủ động hỗ trợ.

PV: - Vậy làm thế nào để chứng minh thủy điện sai, thưa ông?

TS Đào Trọng Tứ: - Để làm được việc ấy các nhà quản lý phải vào cuộc, phân tích, đánh giá xem thời gian nào, lịch sử của địa điểm ấy người dân sống bao nhiêu năm không có chuyện lũ dâng nhanh đến thế, thiệt hại lớn như thế.
Trong trường hợp của thủy điện Đăkmi 4, những đợt lũ lịch sử trước khi có thủy điện này xảy ra bao lần rồi, nhưng giờ có đập Đăkmi 4 thì người dân không đủ thời gian để chạy lũ.

Trong quá trình lũ lớn thế, đập thủy điện không thể chứa được nữa thì buộc phải xả. Rõ ràng lũ đến có thể nhỏ nhưng trường hợp thủy điện xả trong thời gian bất thường thì nó sẽ tạo nên khó khăn cho người dân.
Phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thì sang năm sẽ vẫn như thế. Chủ đầu tư thủy điện cũng rất căng thẳng, người dân thì lo sợ. Còn nếu điều tra, nghiên cứu rồi xác định trong trường hợp này phải xử lý thế nào thì mọi người đều có thể yên tâm. Lúc ấy mọi biện pháp như xây kè, đưa dân di dời... trách nhiệm thuộc về ai thì người đó phải làm.

Nhà tôi trước ở sông Chu, chẳng có công trình gì đâu, chẳng ai làm kè nhưng cách đây mấy chục năm nó đã nằm ở giữa sông rồi. Lúc ấy chỉ có việc đi thôi, chẳng có đền bù, chẳng kêu ai được. Đâu là do thiên nhiên, đâu là trách nhiệm của con người, điều đó phải được xác định.
Xin cảm ơn ông!

An Khanh (Thực hiện)