THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 September 2013

Dân Hà Nội có còn thanh lịch?



HANOI-HOA

Nếu thanh lịch là nguồn lực văn hóa của người Hà Nội thì do phung phí hay do thui chột đến nỗi các cao niên, các nhà xã hội học phải lên tiếng rằng, hình như người Hà Nội đang đánh mất nhiều nét thanh lịch mất rồi.
Cách ứng xử thiếu văn hóa diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nơi công cộng, chợ búa và len lỏi vào từng ngõ xóm, gia đình. Có người phải kêu lên rằng, dân Hà Nội đã hết thanh lịch. Câu thơ “Nầy lúc luân thường đảo ngược ru!” của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu hóa ra vẫn còn giá trị thời sự. Câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” chẳng lẽ cũng hết thời hạn sử dụng?
Khách ở quê ra bất ngờ vì người thủ đô bây giờ “lạ” quá, họ dường như đã “nhờn” pháp luật, kỷ cương phép nước. Ai lại đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào phố cấm, đi hàng hai hàng ba thoải mái. Bị cảnh sát giao thông nhắc nhở là nhăm nhăm điện thoại gọi ông nọ bà kia đến “cứu”. Hễ không được thì sẵn sàng ăn vạ, gây gổ với người thi hành công vụ. Dạo phố mua sắm, tiêu pha quà bánh ở trên phố, các bà, các chị người quê sợ nhất là bị bắt bí, bị đòi giá cao. Đã có người dở khóc dở cười vì suất cơm bụi 70-80 ngàn đồng, bát phở 50 ngàn đồng, cốc nước trà đá 15 ngàn đồng. Lỡ miệng trả rẻ là bị lườm nguýt, đốt vía, thậm chí bị chửi bới tục tĩu.
Ngay với người Hà Nội, mỗi một ngày qua là mỗi ngày phải chịu biết bao cảnh xô bồ, chướng tai gai mắt. Buổi sáng trên đường không mấy ngày là không tắc nghẽn vì chen lấn, vượt ẩu. Chỉ một va quệt nhỏ cũng làm họ sửng cồ, to tiếng và thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cuộc ẩu đả không được ai can ngăn khiến cả đoạn đường đã nghẽn càng tắc cho đến khi có cảnh sát 113 xuất hiện.
Đến nơi công đường có việc thì bị cật vấn, hoạnh họe từ chỗ gửi xe, xếp hàng nộp giấy tờ và phải nghe những lời cấm cẳn, trống không của đám nhân viên đáng tuổi con tuổi cháu. Buổi trưa, ở quán bún “chửi”, phở “văng” khiến có người buông đũa đứng dậy vì không chịu nổi. Chiều về, bỗng gặp cảnh đuổi bắt đám tóc vàng, tóc đỏ không đội mũ bảo hiểm, phóng xe như điên làm nhốn nháo con phố. Về đến nhà đã thấy cả ngõ ầm lên trước nhà nọ do bị bôi bẩn bằng “khoan cắt bê tông”, “yếu sinh lý”. Làm sao biết kẻ nào quét sơn đen lên khoảng tường trắng mới sơn nhưng cô chủ trẻ xinh tươi vẫn chửi như hàng tôm hàng cá. May có bác cựu chiến binh lên tiếng, cô nàng mới giảm volume rồi vào nhà đóng sập cổng.
Các nhà xã hội học bảo, nếu muốn tìm một nơi mà văn hóa và vô văn hóa, vô lễ và thanh lịch đan xen, chèn ép nhau dữ dội, hãy ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Ở đây, thắng cảnh bị xâm hại bởi bao cảnh trớ trêu. Trai gái tỏ tình lộ liễu trên ghế đá ven hồ, rác rưởi bập bềnh trên mặt nước… Du khách từ tây balô đến thương nhân hễ rảo bước quanh hồ là bị bao vây bởi đội quân ăn xin, bán hàng lưu niệm với giá trên trời quấy rầy từng bước… Có lắm người khiếp quá, cạch không dám ra đây nữa. Nghe nói khu vực này có nhiều cơ quan quản lý nên “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.
Khép lại một ngày gặp nhiều sự mất thanh lịch, bỗng dưng buồn bực khi nghe tivi cho biết: Hà Nội hiện có 2.450 “làng văn hóa” và 7.666 “khu phố văn hóa”. Và còn lạ hơn là 99% hộ gia đình qui ra là mấy triệu hộ phải đăng ký và đều được cấp “bảng vàng” văn hóa. Trời đất, lại khen thưởng, phong tặng theo phong trào đây. Trên một vạn làng văn hóa, khu phố văn hóa mà sao nhiều chuyện vô văn hóa đến thế? Không khó để nhìn thấy ngay dưới chân tấm biển công nhận “Khu dân cư văn hóa” là cảnh buôn bán nhộn nhạo, hay những đống rác lưu cữu đã bốc mùi hôi thối.
Chợ cóc họp tràn lan ở vỉa hè, lòng đường, trên rất nhiều con phố được công nhận danh hiệu văn hóa nhiều năm, những cảnh buôn bán dưới lòng đường, xe cộ để lộn xộn, mất trật tự giao thông và việc vứt rác ra đường của bà con vẫn còn nhiều lắm…
Ở làng văn hóa, người dân vẫn vô tư xả nước thải ra mương. Cùng với đó là bãi rác nằm chình ình ngay trên con đê đầu làng và thói quen thả rông gia súc khiến môi trường của “làng văn hóa” ngày càng ô nhiễm nặng. Việc ma chay, cưới hỏi, khao vọng bây giờ xem ra chẳng khác gì cảnh “việc làng” mà Ngô Tất Tố đã viết từ ngày xưa. Ra phố huyện, đâu đâu cũng cơ man là “Khu dân cư văn hóa” nhưng chiều chiều hàng quán mọc san sát hai bên đường, kẻ bán, người mua tấp nập khiến con đường đã hẹp lại trở nên chật chội hơn. Dân phố thị sợ nhất là vào dịp lễ hội vì cảnh buôn bán ầm ĩ, cờ bạc, xóc đĩa dọc các ngõ của con phố. Tấm biển lớn “Khu phố văn hóa” vẫn nằm trên cổng chào nhưng xem ra khu phố chẳng có thay đổi nào đáng kể về văn hóa cả.
Không lẽ cán bộ và cư dân ở những khu dân cư ở Hà Nội đã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa lại không ý thức được trách nhiệm của mình? Không lẽ những “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”… lại là nơi người dân đã hết thanh lịch?
THEO PETROTIMES