THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 September 2013

Thế giới khó chặn một cuộc khủng hoảng mới


Nỗ lực của các nước chỉ mang tính ngắn hạn và khó có thể phối hợp chặn khủng hoảng tài chính khi mà tốc độ phục hồi quá khác biệt giữa các nền kinh tế.
15/9 vừa qua đánh dấu tròn 5 năm ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, cũng là sự mở đầu cho trận sóng thần tài chính thế giới lớn nhất gần một thế kỷ qua. Kể từ đó, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả. Các nước cũng ra sức tìm kiếm mô hình kinh tế bền vững nhằm tránh một cơn sóng thần mới trong tương lai. Nhưng cho đến nay, nỗ lực đó vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn, và dường người ta vẫn chưa rút ra được bài học nào từ lịch sử.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đi của Lehman Brothers 5 năm trước là sự liều lĩnh của chính họ cũng như các ngân hàng đầu tư khác khi theo đuổi lợi nhuận bằng cách khai thác công cụ tài chính mới, bất chấp mọi rủi ro. Các định chế tài chính, dẫn đầu là LB, còn tham gia nhiệt tình vào thị trường cho vay cầm cố bất động sản đang bùng nổ, do cơ chế lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Các ngân hàng cho vay mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Sau đó, những bất ổn từ hoạt động cho vay dưới chuẩn khiến giá nhà sụt giảm mạnh, thị trường nhà đất đóng băng. Cuộc khủng hoảng từ đó lan từ thị trường bất động sản sang thị trường tín dụng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tràn sang nhiều nước châu Âu.
crisis-500-5386-1379579729.jpg
Những nỗ lực giải quyết khủng hoảng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Ảnh: Libcom
Sau cuộc khủng hoảng, FED đã phải viện hàng loạt biện pháp chưa từng có để bơm tiền vào nền kinh tế. Mỹ phải trở thành chủ nợ cho cả thế giới, cấp các các khoản vay lên đến 580 tỷ USD cho ngân hàng trung ương các nước và 309 tỷ USD cho các nhà băng tư nhân ngoại có chi nhánh ở Mỹ.
Do lãi suất gần 0% không mang lại hiệu quả, Mỹ đã phải tung ba đợt nới lỏng định lượng (QE) để bơm tiền vào hệ thống và khuyến khích đầu tư. Dù vậy, những biện pháp này cũng không giảm thiểu được các vấn đề kinh tế của Mỹ. GDP hiếm khi đạt được mốc tiền khủng hoảng. Xét đến các mối quan hệ liên ngành (ma trận đầu vào - đầu ra) của kinh tế Mỹ, nới lỏng tiền tệ còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước khác. Kết luận này được xác nhận bởi phản ứng lo lắng tại các nước đang phát triển về khả năng Mỹ cắt giảm từng phần gói kích thích.
Mỹ đã tiến hành cải cách hệ thống tài chính. Đặc biệt là với sự ra đời của đạo luật Dodd-Frank năm 2010. Do nhiều cuộc vận động hành lang chống lại đạo luật này đã diễn ra, Quốc hội Mỹ phải giảm nhẹ Quy tắc Volcker, cấm các ngân hàng thương mại không được buôn bán chứng khoán trên tài khoản của mình. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết dù quốc hội đã thông qua đạo luật, họ vẫn chưa nghiên cứu xem có nên thực hiện hay không. Cơn địa chấn 2008 không phải cuộc khủng hoảng đầu tiên thuộc loại này, và càng không phải là cuối cùng.
Đến nay, thế giới cũng đã đề ra nhiều biện pháp giải quyết những nhân tố gây ra vụ khủng hoảng. Tuy nhiên, người ta vẫn thắc mắc liệu chúng đã đủ để sửa chữa thiệt hại và ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng mới?
Chắc chắn, các phản ứng tập thể mạnh mẽ được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2008 - 2009 đã giúp kéo kinh tế toàn cầu khỏi vực thẳm. Những đợt bơm thanh khoản lớn của các ngân hàng trung ương và cam kết tăng chi tiêu tài khóa của các Chính phủ đã vực dậy cả nền kinh tế.
Đây là sự ghi nhận đáng kể về đoàn kết trên toàn cầu. Hơn nữa, sự hợp tác này còn tạo ra cơ hội giải quyết nhiều vấn đề chung về cấu trúc nảy sinh từ sự liên kết toàn cầu. Các nước đã tập trung vào mạng lưới an toàn tài chính đáng tin cậy, nỗ lực chuẩn hóa và tăng cường quy tắc kế toán, đồng thời cân đối khung chính sách quản lý nhằm ngăn chặn cơ hội lách luật kiếm lời của các công ty tài chính toàn cầu. Tuy tiến bộ đạt được là không đồng nhất, việc thực thi tiêu chuẩn Basel III vẫn là minh chứng cho cam kết cùng triệt tiêu rủi ro tài chính toàn cầu, dù một số điều khoản còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, ngay cả khi thế giới tiếp tục hợp tác giải quyết những vấn đề này, sự khác biệt về quá trình phục hồi sau năm 2008 đã thách thức nghiêm trọng tinh thần đoàn kết toàn cầu. Các nền kinh tế thị trường mới nổi đã gượng dậy rất nhanh, trong khi nhóm nước phát triển phải vật lộn với tăng trưởng và nợ nần khi ồ ạt bơm tiền vào lưu thông.
Nhưng giờ đây, chính các nước mới nổi lại phải nỗ lực duy trì đà tăng trưởng và ổn định kinh tế. Khó khăn này càng trở nên trầm trọng khi nguy cơ Mỹ giảm kích thích, đang khiến dòng tiền nóng ồ ạt chảy ra khỏi các nước này. Ấn Độ là trường hợp điển hình, dĩ nhiên không phải nước duy nhất, cho sự ảo tưởng về tăng trưởng vả ổn định vĩ mô.
Vấn đề cốt lõi ở chỗ, 5 năm sau khủng hoảng tài chính, quỹ đạo của nó vẫn còn chưa rõ ràng. Sự phản ứng chính sách trên toàn cầu có vẻ đang giải quyết các tổn thương mà khủng hoảng gây ra. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế tại các nước lớn quá khác nhau đang đặt ra câu hỏi về tác động dài hạn của những biện pháp đó? Việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết toàn cầu ra sao và liệu những gì được thực hiện cho đến nay có đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới? Đó là những băn khoăn vẫn còn nóng hổi cho đến tận hôm nay.
Phạm Ngọc Uyển (tổng hợp)