THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
Bé 5 tuổi ở Hải Phòng chết tức tưởi sau một mũi tiêm!...
21.09.2013
Bé Khánh Nhi vào nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, không bị sốt nhưng đột ngột qua đời sau gần 1 ngày cấp cứu vì mũi tiêm chữa viêm phổi thùy.
Khoảng 7h30 sáng 20/9, bé Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, trú tại Đông Khê – Ngô Quyền – Hải Phòng) qua đời sau gần 1 ngày cấp cứu vì mũi tiêm chữa viêm phổi thùy tại Bệnh viện Nhi Đức – Hải Phòng.
Theo trình bày của chị Bùi Thanh Hương (SN 1982, mẹ đẻ của bé Khánh Nhi, người trực tiếp chăm sóc cháu từ khi nhập viện đến khi cháu bé mất), bé Nhi được nhập viện vào sáng 19/9, với chẩn đoán viêm phổi thùy. Khi đó, cháu hoàn toàn tỉnh táo, không sốt. Bé Nhi được điều trị tại khoa hô hấp của viện này.
Khoảng 10h30 sáng ngày nhập viện, bé Nhi được tiêm một mũi vào mông. Trước khi tiêm mũi này, mẹ bé Nhi khẳng định, không thấy y tá tiêm thử thuốc. May mắn, sau tiêm bé hoàn toàn bình thường.
Khoảng 14h cùng ngày, trong cữ tiêm buổi chiều, bé Nhi tiếp tục được chỉ định tiêm 1 mũi vào mông. Sau tiêm vào mông, y tá có thử thuốc trên phần cẳng tay của bé Nhi. “Khoảng 10 phút sau thử thuốc, cô Thúy y tá thông báo kết quả thử với bác sỹ phó trưởng khoa và nhận được cái gật đầu đồng ý tiêm ven cho con tôi. Ngay khi vừa rút mũi kim ra khỏi người bé, con tôi kêu mẹ ơi con đau đầu quá, cứu con với…Lúc đó, mắt cháu trợn ngược lên, mặt mũi tím tái, khó thở…”, chị Hương uất nghẹn kể lại vụ việc.
Bé Nhi nhanh chóng được chuyển đến phòng cấp cứu của khoa để thở oxy. Sau đó, được chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu. Tại phòng cấp cứu, sau cữ tiêm đầu tiên, bé Nhi có dấu hiệu đỡ. Nhưng sau đó, mỗi lần giật mình tỉnh giấc đều gào khóc, kêu đau đầu và cầu cứu mẹ.
Chị Bùi Thị Thu Thủy (SN 1981, chị gái ruột chị Hương, tức bác của bé Nhi) cho biết thêm: Khi bé Nhi được chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu, chị Thủy cũng có mặt để theo dõi tình hình. Chị Thủy là người làm trong ngành y (công tác ở bệnh viện phụ sản) nên cũng sơ bộ nhận biết được các loại thuốc. Quá trình cấp cứu bé Nhi, chị Thủy nhận ra cháu bé liên tục được tiêm mooc-phin mỗi khi tỉnh táo, kêu đau đầu.
Khi bé Nhi nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, theo quy định của bệnh viện, chị Hương không thể tự tay chăm sóc con tại giường bệnh mà chỉ có thể dõi theo từ phía ngoài. Đến sáng 20/9, mặc dù nhiều lần hỏi về bệnh tình của con nhưng chị Hương không nhận được câu trả lời từ phía bác sỹ. Đến khoảng 8 giờ sáng, thấy kíp trực nói về chuyện thay ga giường bệnh, chị Hương vội chạy vào giường bệnh của con thì nhận thấy màn hình đo nhịp tim, huyết áp là một đường thẳng băng. Biết rằng con đã mất, lúc này chị Hương chỉ còn biết phủ gục bên xác con.
Bức xúc trước cái chết đột ngột của bệnh nhi, người nhà của bé gái xấu số đã tập trung tại bệnh viện này, yêu cầu phía lãnh đạo phải có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân cái chết.
Từ 8h sáng đến chiều tối ngày 20/9, gia đình nạn nhân kiên quyết không đưa xác bé gái về lo hậu sự mà chờ đợi câu trả lời cụ thể từ phía lãnh đạo bệnh viện. Sau nhiều căng thẳng, ban lãnh đạo bệnh viện gồm bà Vũ Thu Thủy – Giám đốc, cùng hai cấp phó của mình đã có cuộc gặp gia đình. Tại cuộc gặp, phía bệnh viện đưa ra kết luận sơ bộ ban đầu về cái chết của bệnh nhi là do sốc phản vệ. Theo bệnh viện, đây là tai nạn không mong muốn, trong chuyên môn có tỷ lệ là 1/1000. Do phía gia đình nạn nhân không đồng ý mổ pháp y nên việc tìm ra nguyên nhân cái chết của bé 5 tuổi này sẽ phải dựa vào hồ sơ bệnh án, quy trình chữa trị được lưu lại trên giấy tờ của bệnh viện. Bệnh viện khẳng định, sẽ thành lập hội đồng chuyên môn xem xét vấn đề này và kết quả kiểm thảo tử vong sẽ được đưa ra trong 2 tuần nữa.
Chiều muộn cùng ngày, xác của bé Nhi đã được đưa về nhà lo hậu sự. Trước mắt, bệnh viện hứa sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng tiền hương hoa và cử cán bộ cùng gia đình lo cho đám tang của cháu bé. Mọi việc sau đó, phía bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với gia đình để giải quyết.
Theo Tri thức trẻ