THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 September 2013

Nhận 500.000 đồng, 7 người bị khởi tố!


Thứ Sáu, 20/09/2013 21:20

Số tiền 500.000 đồng này là khoản đền bù thiệt hại mà 2 bên thỏa thuận, họ đã cùng nhau đi ăn thịt chó và uống rượu hết 380.000 đồng...

Ngày 17-9, trong đơn cầu cứu gửi đến một số cơ quan báo chí cùng các đơn vị chức năng, 7 người dân ngụ thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trình bày việc bị công an huyện ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú một cách vô cớ.
Bỗng dưng bị khởi tố
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Bá Ri (1 trong 7 người bị khởi tố) cho biết năm 1995, UBND xã Tịnh Hiệp giao khoảng 6 ha đất cho 23 hộ dân trong thôn trồng keo, bạch đàn. Do khu đất không có đường đi, 23 hộ góp công sức mở một con đường cho xe chở keo vào mỗi lần thu hoạch.
Con đường do 23 hộ dân thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi góp công sức mở
Ngày 29-5-2012, ông Lê Văn Hoa (ngụ thôn Hội Đức) và ông Nguyễn Trưng (ngụ xã lân cận) đến mua keo ở lô đất kế bên khu đất thuộc sở hữu của 23 hộ dân. Sau khi khai thác keo, ông Hoa và ông Trưng thuê xe chở đi qua con đường do 23 hộ tự mở và đạp gãy một số cây con. Thấy vậy, các ông Nguyễn Hồng Xuân (trưởng thôn Hội Đức), Phạm Bá Ri, Phạm Đông Thanh, Phạm Danh, Phạm Sứ, Phạm Đông Nghiệp và Nguyễn Tấn Quang (đại diện 23 hộ dân) ra ngăn cản, yêu cầu đi đường khác. Ông Hoa và ông Trưng đến thỏa thuận, hứa “hỗ trợ cho 23 hộ 500.000 đồng để sửa lại đường và trồng lại cây bị hư”. Vì ông Hoa là người cùng thôn nên 7 người đồng ý cho xe đi.
“Chúng tôi chưa kịp lấy tiền, ông Hoa đã rủ đi uống nước. Trên đường tới quán nước, ông Hoa đổi ý, đưa chúng tôi 500.000 đồng rồi rủ đi ăn thịt chó, uống rượu. Lúc đi, ngoài 7 người chúng tôi còn có ông Hoa và tài xế. Chúng tôi nhậu hết 380.000 đồng, còn lại 120.000 đồng đưa trưởng thôn giữ để đổ xăng đi lại chăm sóc rừng keo” - ông Ri kể.
Đột nhiên 6 tháng sau, Công an huyện Sơn Tịnh mời 7 người lên làm việc vì có đơn tố cáo họ cưỡng đoạt tài sản của người khác vào ngày 29-5-2012. Tại cơ quan công an, họ đã trình bày vụ việc rõ ràng như trên. Tuy nhiên, đến ngày 3-7-2013, cả 7 người đều nhận được quyết định khởi tố bị can về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1, điều 135 Bộ Luật Hình sự. Kèm theo quyết định khởi tố còn có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Có dấu hiệu tội phạm?
Ông Phạm Đông Thanh cho biết 7 người đều là trụ cột trong gia đình. Từ khi nhận quyết định khởi tố, cuộc sống họ đảo lộn, gia đình lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Xuân thì bị miễn chức trưởng thôn. Mẹ vợ mất ở Phú Yên, ông Phạm Bá Ri không được vô đưa đám tang...
Ngày 19-9, trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Hoàng Anh, Đội phó Đội CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội và ma túy Công an huyện Sơn Tịnh, cho biết vụ án vẫn đang điều tra. “Việc khởi tố bị can là do có đơn tố cáo của ông Nguyễn Trưng và ông Lê Văn Hoa. Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, CQĐT mới khởi tố, còn việc có tội hay không, tòa án sẽ phán xét” - ông nói.
Tuy nhiên, ngày 20-9, khi chúng tôi tìm gặp, ông Trưng khẳng định không hề viết đơn tố cáo về việc 7 người nêu trên chặn xe đòi tiền. “Số tiền 500.000 đồng không đáng gì. Hơn nữa, chúng tôi cũng thống nhất với nhau rồi. Đó là số tiền đền bù cho việc xe chúng tôi đi qua đất của họ và đạp lên cây. Tôi không khiếu nại, kiện tụng gì, cũng không biết ai kiện và vì sao kiện. Công an đến nhà hỏi, tôi kể cho họ nghe việc xảy ra, rồi họ bắt tôi viết bản tường trình...” - ông Trưng giải thích.
Phải xử lý để răn đe!
7 người dân bị khởi tố cho rằng một số cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh có tham gia trồng rừng gần khu đất thuộc sở hữu của 23 hộ dân. Theo họ, do vụ lợi cá nhân, muốn lấy đất trồng rừng, những người này cố tình đẩy họ vào con đường tù tội...
Tuy nhiên, ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, khẳng định: “UBND huyện có biết việc này, cơ quan công an khởi tố bị can dựa vào hành vi cưỡng đoạt tài sản chứ không phụ thuộc vào giá trị tài sản lớn hay nhỏ. Từ khi keo, bạch đàn có giá, việc tranh chấp đất trồng rừng ở xã Tịnh Hiệp khá phức tạp, vì thế phải xử lý vụ việc để răn đe”.
Bài và ảnh: Tử Trực