Ngày 19.9, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã có cuộc họp báo, trả lời các vấn đề mà truyền thông 2 nước quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Đan Mạch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cho rằng: “Vấn đề quyền con người luôn là vấn đề mà Đan Mạch và EU rất quan tâm. Hiện nay và EU và Việt Nam có đối thoại thường xuyên về vấn đề nhân quyền và lần đối thoại gần đây nhất diễn ra vào tuần trước. Chúng tôi cũng nhận thấy những bước phát triển tích cực và chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi các quan điểm nhằm phát triển tốt nhất vấn đề này”.
Xin ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ về vấn đề nhân quyền và xung quanh ý kiến cho rằng có hạn chế internet ở Việt Nam?
Tuyên bố chung về đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt đã chứng kiến lễ ký các văn kiện và Bản ghi nhớ hợp tác: Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch. Trong đó, hai bên tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tăng kim ngạch thương mại và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và Đan Mạch.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi xin cảm ơn câu hỏi của vị phóng viên báo Đan Mạch. Điều mà bạn quan tâm cũng là điều mà cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm. Chính vì quan tâm tới nhân quyền, tới tự do mà chúng tôi phải đổ máu rất nhiều để giành độc lập trong các cuộc kháng chiến. Tôi nhớ rất rõ và chân thành cám ơn các bạn, trong cuộc kháng chiến đó đã đứng về phía Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam giành độc lập, tự do.
Một đất nước đã quyết tâm giành độc lập tự do bằng một sự hy sinh rất to lớn như vậy thì không có lý do gì khi giành được độc lập rồi lại không lo lắng về cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân mình.
Tôi không có ý định ca ngợi thể chế chính trị của chúng tôi cái gì cũng đều tuyệt vời, vẫn còn có nhược điểm. Nhưng mong các bạn cũng quan tâm những chỉ số có thể nói là dấu son lớn trên bản đồ chính trị của thế giới. Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả.
Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên…
Đan Mạch là đất nước sớm có viện trợ ODA cho Việt Nam. Vậy xin bà Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới việc hỗ trợ ODA cho Việt Nam sẽ được tiến hành thế nào trong bối cảnh Việt Nam đã có những phát triển về kinh tế xã hội?
Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt: Thành tựu của Việt Nam thời gian qua cũng mở đường cho việc đổi mới quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, từ hợp tác phát triển sang mối quan hệ hợp tác về chính trị và thương mại. Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ kết thúc vào năm 2015 và sau đó sẽ chỉ còn một số chương trình được tiếp tục như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, hành chính công… Đây là những lĩnh vực mà ngài Chủ tịch nước cũng nhất trí với tôi là Việt Nam đang rất cần.
Thưa Chủ tịch nước, xu hướng viện trợ ODA mà bà Thủ tướng vừa nói là xu hướng tất yếu. Vậy theo ông cần phải làm gì để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cho đến nay, tổng số viện trợ ODA cho Việt Nam khoảng 1,3 tỉ USD. Với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Việt Nam, tôi không dám bình luận việc sử dụng nguồn viện trợ ODA tốt hay xấu, nhưng xin dẫn lời của ngài Chủ tịch quốc hội Đan Mạch sáng nay có nói với tôi rằng: Việt Nam là một trong những nước sử dụng tốt nhất nguồn ODA do Đan Mạch viện trợ.
Về vấn đề kêu gọi đầu tư, Diễn đàn doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch cũng sẽ cho thấy tiềm năng đầu tư rất lớn giữa hai nước. Các lĩnh vực mà các bạn đang có thế mạnh và chúng tôi cũng đang rất cần, như: phát triển năng lượng tái tạo, xử lý chất thải hay vấn đề giáo dục.
THEO THANH NIÊN