THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 October 2013

Những vấn đề gai góc trong việc chống tham nhũng năm 2013

VRNs (26.10.2013) – Sài Gòn – Vào ngày 22/10 vừa qua, Quốc hội đã nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Thông qua báo cáo của ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp, nhiều vấn đề gai góc được nêu ra nhưng có lẽ sẽ khó được giải quyết.
Xử lý tham nhũng chưa nghiêm túc
Theo trang mạng Thanh tra Việt Nam, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, “hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít.”  
Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN còn hạn chế. Đặc biệt vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.
Báo cáo cũng cho biết, trong số 278 vụ và 584 bị cáo đã được Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm về các tội danh tham nhũng, có 41,2 % tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; và có đến 31,2 % bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).
Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp, việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra.
Qua giám sát của Ủy ban tư pháp thì trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013) riêng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác; có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ ( bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử)
Việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội
Ngoài ra, ông Phong Tranh cho biết thêm, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm.
Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ nhỏ
Cũng theo trang mạng Thanh tra Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp còn cho biết, việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đã được tăng cường hơn. Tuy nhiên, số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản.
Trong khi đó, số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện.
Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo chí và dư luận nhân dân thì tình hình tham nhũng trong lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề nông thôn, xóa đói, giảm nghèo… đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Như vậy người dân, – đặc biệt là những đối tượng cần nhiều sự hỗ trợ -, đang tiếp tục phải chịu cảnh bị rút ruộc. Không những thế, những vụ xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước sẽ khiến lợi ích công của công dân bị xâm phạm.
“Địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ
Trao đổi với phóng viên của TTXVN bên lề Hội nghị, Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, báo cáo phòng chống tham nhũng đã nêu được những nguyên nhân, giải pháp. Nhưng cái quan trọng nhất là “địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Lê Như Tiến đặt vấn đề, “Báo cáo có nêu đã xử lý một số người đứng đầu, nhưng mà chỉ rõ “địa chỉ” là tham nhũng nhiều nhất ở ngành nào? Địa phương nào? Đã xử lý người đứng đầu ra sao thì chưa thấy đậm nét.”
Cũng theo Ông Lê Như Tiến, “những người tham nhũng, thường là những người có chức, có quyền, có kinh tế. Họ có thể thao túng lũng đoạn, tinh vi trong mọi hành vi của họ.” Điều này có thể lý giải cho vấn đề mà chính ông nêu trước trong cuộc phỏng vấn là, theo báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ “công tác phòng chống tham nhũng rất tinh vi, phức tạp, không phải dễ gì mà phát hiện được.”

Pv.VRNs tổng hợp