THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 October 2013

Nâng trần bội chi ngân sách: Quen tiêu trước đâu dễ nhịn tiêu sau!

SỐNG MỚI -  26/10/2013

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Như vậy, sau nhiều năm báo vượt thu, đây sẽ là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm dự kiến không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, cho phù hợp với tình hình hiện tại. Dẫu sao, kinh tế không phải lúc nào cũng thuận, nhưng không mấy khi những con số trên bị quan tâm nhiều như hiện nay, với thống kê doanh nghiệp “chết” được cập nhật thường xuyên hơn so với trước. Trong bối cảnh đó, nếu số thu vẫn đạt hay vượt chỉ tiêu thì cũng lạ. Nhưng cũng chính vì hụt thu, mà chi vẫn tăng, thành ra Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh giống Mỹ với câu chuyện nâng trần nợ công, nhưng bộ máy hành chính thì vẫn vận hành… bình thường.
 
Theo số liệu được công bố trên trang web của Bộ Tài chính, so với dự toán, chi NSNN vượt tới gần 32% năm 2006; gần 19% năm 2007; gần 38% năm 2008, gần 35% năm 2009; và còn khoảng 12% trong hai năm 2010, và 2011. Do mức chi luôn vượt dự toán, nên thực tế tổng chi NSNN hàng năm trong giai đoạn 2006-2011 thường xuyên vượt trên 35% GDP, tức cao hơn nhiều so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là tổng chi NSNN chỉ khoảng 26-27% GDP và vượt xa so với mức chi tiêu công của các nền kinh tế phát triển là 15-20% GDP. Thậm chí, ngay trong năm kinh tế đầy khó khăn như năm 2012, thì chi cũng đạt tới 903.100 tỷ đồng, trong khi thu chỉ đạt 740.500 tỷ đồng, làm cho mức bội chi lên tới 140.200 tỷ đồng.
 
Bội chi tăng, nhưng câu chuyện quản lý ít khi được nhắc đến. Mà chỉ “trăm dâu” đổ đầu… tăng trưởng kinh tế. Nới trần bội chi lại được tuyên bố là biện pháp để đảm bảo kinh tế 2014 tăng trưởng hợp lý khoảng 5,5-5,8%. Đến nay, khi các nước nặng gánh đầu tư công đang dần chuyển sang nền kinh tế dựa trên chi tiêu của người dân, thì Việt Nam vẫn còn bám vào khoản chi tiêu  công vốn bị xem là hiệu quả kém xa so với khu vực tư nhân và thường song hành với hai từ “tham nhũng”. Chi tư nhân thấy có lợi cao, rủi ro thấp thì mới làm, và phải là những người “sống sót” trong cuộc thanh lọc trên thương trường thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, chi chính phủ lại hướng tới nhóm người “yếu thế”, tức là độ rủi ro cao - khu vực mà nhóm đầu tư ngoài quốc doanh gần như không bao giờ để mắt đến.
 
Thế nên, cũng không lạ khi tờ VnExpress công bố một quan sát rằng: năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu 1 tỷ USD nhằm chống suy giảm kinh tế, bội chi tăng vọt lên 6,9% GDP, vượt xa dự toán, gây ra lạm phát cao, căng thẳng tỷ giá và lòng tin của thị trường giảm sút, khiến Chính phủ phải đưa ra thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm đầu tư công để kiểm soát lạm phát.
 
Bội chi, hụt thu đã trở thành lý do “chính đáng” cho việc nâng trần nợ công. Theo đồng hồ nợ công thế giới chỉ ra, 76,706 tỷ USD là con số nợ công của Việt Nam hiện nay, tăng hơn 2,4 tỷ USD so với tháng 7/2013. Và như vậy, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh hơn 851,48 USD nợ công. Vậy nhưng, dư nợ công vẫn được khẳng định trong giới hạn an toàn thì cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn biên độ cho câu chuyện tăng chi tiêu, tăng nợ công ở thì tương lai, đến khi kịch trần thì sẽ giống như nhận định của TS Trần Du Lịch: Tiêu trước, thôi tiêu sau!